Tại Hội nghị chống hàng giả do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, lực lượng chức năng cảnh báo nhiều thủ đoạn tinh vi trong tiêu thụ hàng vi phạm, đặc biệt là “núp bóng” hoạt động du lịch để lách luật.
Cụ thể, ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, cho hay thời gian gần đây xuất hiện tình trạng các cơ sở kinh doanh đóng cửa tầng một nhưng vẫn hoạt động bí mật ở tầng hai, chỉ tiếp khách thông qua các tour du lịch trá hình.
“Lực lượng quản lý thị trường từng phải đóng giả làm người dẫn tour để thâm nhập một địa điểm nghi vấn. Khi lên tầng hai, chúng tôi phát hiện cửa hàng đang bày bán sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ cho khách đoàn quốc tế”, ông Sơn cho biết. Đáng lo ngại, hàng giả còn được “ngụy trang” tinh vi bằng chính tem chống hàng giả, bao bì sang trọng và nhãn mác bắt mắt...
Theo ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả tại Việt Nam không chỉ giới hạn trong một số ngành hàng xa xỉ mà đã lan rộng ra hầu hết các lĩnh vực: từ dược phẩm, thực phẩm chức năng, rượu bia, thuốc lá đến linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô - xe máy và vật tư nông nghiệp.

HÀNG GIẢ "BÙNG NỔ" Ở ĐÔNG NAM Á
Theo Liên đoàn Đồng hồ Thụy Sĩ, hàng chục triệu chiếc đồng hồ giả được bày bán mỗi năm. Đồng hồ chỉ đứng sau quần áo là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất thế giới, đa phần trong số đó được chuyển qua châu Á. Đối với các thương hiệu lớn, việc kiểm soát những tội phạm cấp thấp, xuyên quốc gia và phân tán này là một nhiệm vụ bất tận và vô cùng khó khăn.
Năm ngoái, Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã truy tố hơn 1.300 vụ việc, thu giữ hơn 2,7 triệu mặt hàng giả có giá trị hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ về vi phạm sở hữu trí tuệ. Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan tràn ngập cả thị trường truyền thống và online.
Đối với nhiều người, mua sắm hàng giả là một thú vui vô hại, thậm chí là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch Đông Nam Á – một cách để mang “hàng xa xỉ” về nhà với giá rẻ. Tuy nhiên, nhận thức này bỏ qua những hậu quả rộng lớn hơn. Hàng giả làm suy yếu các doanh nghiệp hợp pháp, gây thất thu thuế và khiến người tiêu dùng phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và an toàn.
Tại phố Petaling của Kuala Lumpur (Malaysia), các quầy hàng bán túi Louis Vuitton giả và đồng hồ Rolex nằm giữa những người bán hạt dẻ rang và các ki-ốt bán bánh tart dứa. Mặc dù được coi là khu phố Tàu, hầu hết các quầy hàng hiện nay đều do những người di cư Bangladesh bán hàng, không phải tất cả họ đều có giấy phép lao động hợp pháp.

Đối với Malaysia, đặc biệt là ở các quận nổi tiếng như phố Petaling, nạn buôn bán hàng giả từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trong thương mại quốc tế – hiện đang được giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết. Từ các thương hiệu xa xỉ cho đến sản phẩm làm đẹp cho tới phụ tùng xe hơi đều được làm nhái. Đặc biệt là thuốc giả, với số lượng được sản xuất và bán ra ở Đông Nam Á ngày càng tăng.
Liew Chee Yoong, một nhà kinh tế tại Đại học UCSI ở Kuala Lumpur, cho biết: "Việc tiếp tục dung túng cho nạn buôn bán hàng giả khiếndu lịch Malaysia ở thế bất lợi so với các nước trong khu vực như Singapore và Việt Nam, cả hai quốc gia này đều đã có những bước tiến rõ rệt trong việc tăng cường cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ để thu hút các khoản đầu tư cao cấp".
CHÍNH SÁCH QUYẾT LIỆT CỦA CHÂU ÂU
Chính quyền thành phố Palma, thủ phủ của đảo Mallorca (Tây Ban Nha), mới đây đã quyết định áp dụng quy định mới, cho phép phạt tiền đối với cả người mua hàng giả. Theo tờ Mirror, du khách có thể bị phạt tới 750 euro (khoảng 860.000 đồng) nếu bị phát hiện mua các mặt hàng như kính mắt, túi xách hay quần áo giả mạo từ những người bán hàng rong trái phép.
Trước đây, cảnh sát tại các điểm du lịch nổi tiếng như Mallorca hay Barcelona đã nhiều lần cố gắng kiểm soát tình trạng buôn bán hàng giả trên đường phố, nhưng gặp nhiều khó khăn do người bán di chuyển rất nhanh mỗi khi thấy bóng dáng cảnh sát. Giờ đây, chính quyền Palma quyết định "siết" cả người mua nhằm giảm thiểu hoạt động này.

Ông Danny Toffel, Giám đốc điều hành công ty bán lẻ trực tuyến Watches2U, khuyến cáo: “Du khách nên tìm hiểu kỹ quy định địa phương trước khi đi du lịch nước ngoài. Việc mua hàng từ người bán rong không phép ở nhiều nước châu Âu có thể bị phạt nặng bởi làm tổn hại đến các cửa hàng hợp pháp tại địa phương”.
Báo cáo năm 2023 của Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) đã đưa ra tình trạng đáng báo động: hàng giả và hàng kém chất lượng tăng mạnh tại các nước EU, với 3,4 tỉ euro hàng giả bị tịch thu, tăng 77% so với năm trước đó. Ước tính thiệt hại hàng năm lên tới 60 tỉ euro, gây tổn thất nặng nề cho kinh tế - xã hội châu Âu.
Đứng trước thực trạng này, EU đã hoàn thiện khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, đạo luật dịch vụ kỹ thuật số DSA (có hiệu lực từ 17/2/2024) nhằm phá vỡ các mạng lưới doanh nghiệp tội phạm đa quốc gia. Theo đạo luật DSA, các nền tảng kỹ thuật số sẽ bị giám sát và xử phạt lên đến 6% doanh thu toàn cầu hằng năm nếu không thực hiện các biện pháp chống hàng giả theo quy định.
Không chỉ nhà phân phối, người tiêu dùng hàng xa xỉ giả cũng bị nhắm tới. Nhiều quốc gia EU đã đưa ra mức phạt lên tới 12.000 euro cho người mua và sử dụng hàng xa xỉ giả. Tại Pháp, mức phạt tối đa lên tới 300.000 euro hoặc ngồi tù 3 năm nếu du khách đem một số lượng lớn hàng giả nhập cảnh vào nước này.

Tại Bỉ, nếu bị phát hiện mang đồ giả trên người, du khách có thể bị phạt từ 500 - 100.000 euro. Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này và bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự. Tại Italia cũng có luật quy định người mua phải chịu khoản tiền phạt lên tới 11.000 euro khi sử dụng hàng giả, hàng nhái từ những nhà cung cấp bất hợp pháp. Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.
Trong khi đó, tại Ireland, bất kỳ ai mang hàng giả vào đất nước này đều bị coi là hành vi phạm tội. Du khách có thể ngồi tù 1 năm hoặc nộp phạt từ 5.000 đến 126.000 euro, tùy thuộc vào món hàng giả của mình. Đáng chú ý, nếu giá trị thật của món hàng giả lớn hơn 250.000 euro, người tiêu dùng có thể nhận bản án tới 5 năm tù.