March 17, 2021 | 15:47 GMT+7

"Chấp" khối ngoại xả ngàn tỷ, vốn nội "cân" hết, CTG thanh khoản kỷ lục

Kim Phong

Diễn biến khá bất ngờ hôm nay là quy mô xả hàng của khối ngoại tăng đột biến, có thể là do các quỹ ETF bán sớm để tránh nghẽn hệ thống. Cầu trong nước thu gom cũng mạnh không kém

Nếu trong phiên sáng nhà đầu tư vẫn canh nhịp tăng để chốt lời khiến VN-Index đóng cửa phiên sáng dưới tham chiếu thì tới chiều, tâm lý lạc quan lan tỏa dẫn chỉ số tăng tốt cho đến cuối phiên.

VN30 đã đóng góp tích cực trong hôm nay. Khối lượng và giá trị khớp lệnh đều tăng mạnh, ở mức cao so với cả tuần trước khi khớp lệnh 6.881 tỷ đồng. 

Dù sự phân hóa vẫn còn hiện hữu khi trong rổ có 16 mã tăng và 11 mã giảm song sức tăng của chỉ số này trong phiên đạt 0,4% đã góp phần lớn kéo VN-Index đi lên. 

Điểm nhấn hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng với hàng loạt mã bật tăng ở biên độ lớn. CTG là nhân tố tích cực nhất, dù diễn biến tốt từ đầu ngày nhưng đến đầu giờ chiều, lực mua dâng cao đã kéo thị giá tăng mạnh, trở thành lực đẩy cho chỉ số chính thoát khỏi mức dưới tham chiếu.

Hôm nay cũng là một phiên lịch sử với CTG khi lượng giao dịch ở mức cao lịch sử với hơn 23,6 triệu đơn vị được khớp. Dù bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 209 tỷ song sức mua áp đảo từ nhà đầu tư nội khiến mã này chốt phiên tăng 4,91%, đưa thị giá CTG lên vượt mức đỉnh cũ, đạt 39.550 đồng/cổ phiếu. 

"Chấp" khối ngoại xả ngàn tỷ, vốn nội "cân" hết, CTG thanh khoản kỷ lục - Ảnh 1.

Diễn biến Vn-Index trong phiên

Ngoại trừ VCB giảm điểm, hàng loạt cổ phiếu nhà băng khác cũng đạt mức tăng cao trong phiên như VIB (+5,75%), STB (+3,7%), HDB (+2,61%), MBB (+1,22%), TCB (+1,13%). Trên sàn HNX và UPCoM, các cổ phiếu ngân hàng cũng có đà tăng tốt với SHB, NVB trên HNX đều tăng trên 1%, UPCoM điểm danh ABB, NAB, VBB, BVB, SGB cũng đều tăng trên 1%, trong đó ABB còn bật tăng hơn 4,1%. 

Nhóm cổ phiếu này cũng điểm mặt nhiều nhất trong top được mua bán mạnh trên sàn với SHB, STB, CTG, MBB. Với mức tăng tốt hôm nay, nhiều mã ngân hàng đã vượt được đỉnh cũ và hình thành nên vùng giá đỉnh lịch sử mới của mình. 

Dòng tiền mới trở lại với nhóm cổ phiếu vua cho thấy tâm lý đã lạc quan hơn với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Mới đây, thông tin một quỹ ETF Đài Loan được chấp thuận đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt, bám sát chỉ số FTSE Vietnam 30 Index, tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên HSX cũng là một tín hiệu tích cực về triển vọng dòng tiền mới từ nước ngoài sẽ tìm đến nhóm blue-chips. 

Dù vậy, tuần này thị trường vẫn sẽ chịu lực xả từ khối ngoại ở nhóm blue-chips do các rổ ETF vào kỳ tái cơ cấu danh mục. Khối ngoại bán ròng 920 tỷ đồng hôm nay ở rổ VN30, đưa mức bán ròng trên HSX quay lại mốc nghìn tỷ. Do tập trung chủ yếu vào VN30, khả năng cao các quỹ ETF đang tranh thủ tái cơ cấu sớm hơn bởi việc hệ thống thường xuyên nghẽn lệnh ở phiên chiều có thể sẽ cản trở lần review này nếu thực hiện cơ cấu tập trung vào 1-2 phiên cuối như thường lệ. 

Dù vậy chỉ số vẫn tăng tốt cho thấy lực xả này của khối ngoại đã được dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước hấp thụ hết, củng cố tâm lý kỳ vọng blue-chips tiếp tục tăng giá đẩy chỉ số tiến lên vùng giá mới. Vn-Index hôm nay tăng 0,52% tương đương tăng hơn 6 điểm, chỉ số đạt 1.186,09 điểm. 

Giá trị khớp lệnh trên HSX hôm nay đạt 14.141 tỷ đồng, tăng 4,6% so với hôm qua. Phiên chiều cũng trở nên mượt mà hơn khi có hơn 3.700 tỷ đồng được khớp lệnh. Tiền vào cổ phiếu lớn tăng đẩy sức mua chiếm ưu thế khi HSX đến cuối ngày có 257 mã tăng/190 mã giảm, tích cực hơn nhiều so với cuối phiên sáng tỷ lệ tăng/giảm là 212/233.

Nhóm tăng giá trần hôm nay trên HSX điểm danh nhiều hơn những gương mặt thuộc nhóm Midcap như SGR, ABS, FRT, TMS, SHI… Trong khi đó, dù thuộc nhóm được giao dịch nhiều nhưng nhóm đầu cơ tăng nóng những phiên trước như FLC, ROS, HQC lại giảm điểm mạnh với những nhịp giảm kịch sàn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate