VnDirect vừa có báo cáo đánh giá triển vọng cổ phiếu nhóm ngân hàng với nhiều điểm nhấn chú ý về nhóm này.
CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN VẪN TRONG TẦM KIỂM SOÁT
Thứ nhất, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất là 14% trong năm 2022, nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ; lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà; và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn. Việc Việt Nam đã được bình thường hóa kể từ tháng 10/2021 cùng với các gói hỗ trợ hiện hành của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hồi phục và nhận các khoản vay mới để hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Thứ hai, thu nhập ngoài lãi các ngân hàng trong Q1/22 tăng 27,9% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 44,3% so với cùng kỳ trong Q1/21. Thu nhập từ phí thuần (NFI) và thu nhập khác là hai nhân tố chính, đóng góp 82% trong tổng thu nhập ngoài lãi, tăng trưởng lần lượt là 11% và 102%. Đáng lưu ý, VPB ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử 333,9% nhờ ghi nhận khoản phí độc quyền từ hợp đồng bảo hiểm với AIA.
Thứ ba, NIM sẽ giảm mạnh hơn trong nửa năm sau 2022. Trong Q1/22, NIM của các NHTM Nhà nước niêm yết giảm nhẹ 14 điểm cơ bản xuống 2,96%. NIM trung bình của các ngân hàng tư nhân niêm yết ghi nhận mức tăng 1 điểm cơ bản svck lên 4,48%.
Tuy nhiên mức tăng giảm của các ngân hàng có sự khác biệt. Quan sát cho thấy, các ngân hàng có lợi thế về chi phí vốn thấp hơn nhờ cải thiện CASA và/hoặc hệ số LDR thấp, tiếp tục duy trì hoặc mở rộng NIM — MSB (+34 điểm cơ bản), MBB (+27 điểm cơ bản), HDB (+19 điểm cơ bản), TCB (+6 điểm cơ bản).
Thứ tư, chất lượng tài sản vẫn trong tầm kiểm soát. Chất lượng của các ngân hàng đã phần nào bị ảnh hưởng do hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó tỷ lệ nợ xấu (NPL) trung bình Q1/22 tăng trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm nhẹ so với mức cuối Q4/21.
Nợ xấu tăng lên trong những tháng tới cũng là điều đáng lưu ý khi Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 năm 2022. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên tới 7,3% nếu tính cả các khoản cho vay tái cơ cấu và nợ xấu bán cho VAMC, tương đương mức nợ xấu giai đoạn 2016-2017.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng đã được cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn 2016-2017. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, đồng thời LLR đã đạt mức cao nhất lịch sử tại hầu hết các ngân hàng vào cuối năm 2021. Mặt khác, các ngân hàng cũng đã thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu thay vì mức 30% như quy định.
Nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng sẽ có thể giảm thiểu được tối đa rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian sắp tới. Thêm vào đó, các ngân hàng đang nỗ lực tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR), điều này được thể hiện qua sự cải thiện CAR trong Q1/22. Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhằm tăng cường hệ số CAR, tiến tới lộ trình áp dụng Base III.
BƯỚC NGOẶT ĐANG ĐẾN GẦN?
Bước ngoặt đang đến gần với nhóm ngân hàng, Vndirect kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhu cầu phục hồi và được các chính sách tài khóa hỗ trợ; và ngành Ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Mặc dù biên lãi thuần NIM khó có thể tiếp tục cải thiện do lãi suất huy động cao hơn, các ngân hàng vẫn có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận tốt (ước tính khoảng +29,4% svck; +25,6% svck nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ mảng bảo hiểm của VPB) và khả năng sinh lời mạnh mẽ ở mức 22% trong năm nay, do tín dụng tăng trưởng ổn định, thu nhập từ phí tăng nhanh và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt.
Ngành ngân hàng đang giao dịch ở mức P/BV dự phóng trung bình là 1,46 lần trong năm 2022 - thấp hơn nhiều so với mức P/BV trung bình 3 năm là 2 lần mặc dù lợi nhuận toàn ngành ước tính vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng sinh lời ROE cao, điều này cho thấy mức định giá rất hấp dẫn đối với ngành.
Ngành ngân hàng đã phải đối mặt với những khó khăn do lo ngại về lạm phát, NIM thu hẹp và nợ xấu tăng nhanh sau khi Thông tư 14 kết thúc. Hơn nữa, tâm lý dè chừng đối với cổ phiếu ngân hàng đã trở nên nghiêm trọng hơn do phản ứng thái quá của nhà đầu tư khi Chính phủ có những động thái quản lý và giám sát chặt chẽ hơn đối với thị trường vốn, cho dù việc này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.
"Chúng tôi tin rằng những sự kiện nói trên sẽ không đem lại những hệ quả nghiêm trọng và các ngân hàng Việt Nam có thể vượt qua mọi rủi ro về chất lượng tài sản nhờ vào bộ đệm dự phòng lớn và việc kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc bất động sản có rủi ro cao; và đợt bán tháo ồ ạt vừa qua đã đưa định giá của các ngân hàng về mức rất hấp dẫn", VnDirect nhấn mạnh.
Công ty chứng khoán này cũng bày tỏ ưa thích cổ phiếu VPB, HDB và TCB dựa trên câu chuyện riêng của từng ngân hàng, định giá hấp dẫn cùng với nền tảng cơ bản vững chắc.