February 25, 2021 | 18:12 GMT+7

Châu Á cuối cùng đã bước vào chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19

An Huy

Các quốc gia châu Á, cả nước giàu và nước đang phát triển, đang lần lượt vào cuộc với vaccine ngừa Covid-19

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine Sinovac hôm 22/2 - Ảnh: Bloomberg.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine Sinovac hôm 22/2 - Ảnh: Bloomberg.

Sau một thời gian quan sát Mỹ và châu Âu đi đầu trong việc triển khai vaccine ngừa Covid-19, châu Á - khu vực được đánh giá là thành công nhất trong việc kiểm soát virus corona - cuối cùng cũng đã bắt đầu mở chiến dịch tiêm chủng nhằm tiến tới chấm dứt đại dịch.

Hồng Kông khởi động chương trình tiêm chủng ngừa Covid vào hôm thứ Hai tuần này, khi trưởng đặc khu hành chính, bà Carrie Lam, nhận mũi tiêm vaccine của công ty dược phẩm Sinovac Biotech có trụ sở ở Bắc Kinh. Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đã bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho những nhóm đối tượng ưu tiên, bằng vaccine từ các hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca. Malaysia mở chiến dịch tiêm vào ngày thứ Tư, Hàn Quốc sẽ bắt đầu vào ngày thứ Sáu, và Thái Lan dự kiến sẽ khởi động chương trình sau vài ngày nữa - hãng tin Bloomberg cho hay.

NIỀM TIN LỚN HƠN

Các quốc gia châu Á, cả nước giàu và nước đang phát triển, đang lần lượt vào cuộc với vaccine ngừa Covid-19, sau quãng thời gian vài tháng quan sát khi các nước phương Tây ra sức giành giật nguồn cung vaccine. Virus corona nhìn chung đã được kiểm soát ở phần lớn châu Á, nên các chính phủ trong khu vực có thể đợi để xem những vaccine được phát triển rất gấp rút này có độ an toàn và hiệu quả ra sao, trước khi tiêm cho người dân của nước mình.

Theo giáo sư bệnh truyền nhiễm Dale Fisher thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng đối với người châu Á, việc đợi 1-2 tháng để xem vaccine có hiệu quả ra sao ở các nước khác không phải là một vấn đề lớn. "Bởi vậy, thay vì một cuộc thử nghiệm vaccine với 20.000 người tham gia, chúng ta giờ đã có 200 triệu người được tiêm trên toàn cầu. Tôi cho rằng điều này mang lại cho những người còn băn khoăn một niềm tin lớn hơn", ông Fisher nói.

Hàng trăm triệu mũi tiêm trên toàn cầu đang cho thấy kết quả hứa hẹn, hầu như không có dấu hiệu của những tác dụng phụ nghiêm trọng. Vaccine của Pfizer cho hiệu quả phòng Covid-19 đạt 94% ở Israel, quốc gia đến nay đã tiêm chủng ngừa Covid cho hơn 80% dân số.

Đó là thông tin đáng mừng đối với những nước châu Á đến nay thành công trong việc kiểm soát virus bằng cách đóng cửa biên giới và sớm áp phong tỏa nhưng người dân còn lo ngại với việc dỡ bỏ các hạn chế. Một số nước như Singapore và Australia vẫn đang chật vật với việc nối lại các hoạt động kinh doanh và đi lại. Trung Quốc có nguy cơ suy giảm sức cạnh tranh nếu tiếp tục đóng cửa biên giới với phần còn lại của thế giới.

Dù vậy, chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của châu Á chắc chắn không phải là một chặng đường bằng phẳng. Đơn đặt hàng vaccine có thể bị trì hoãn vì sự khan hiếm nguồn cung, do các nước giàu như Mỹ và châu Âu đã đặt mua trước một lượng lớn vaccine từ các nhà sản xuất. Ngoài ra, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về tính an toàn và hiệu quả của một số loại vaccine nội mà một số nước châu Á sản xuất.

Chẳng hạn, vaccine của Sinovac, cho thấy chỉ đạt hiệu quả hơn 50% trên thử nghiệm ở đối tượng là nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm cao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thành công 95% của vaccine Pfizer và Moderna. Một bài kiểm tra lớn đối với các vaccine Trung Quốc có thể diễn ra ở Hồng Kông, nơi người dân được chọn tiêm giữa một số vaccine khác nhau, bao gồm vaccine Sinovac và vaccine từ các hãng phương Tây.

"Chúng tôi mua vaccine từ các khu vực khác nhau", bà Carrie Lam nói với báo giới hôm thứ Hai. "Tôi không cho rằng người dân nên băn khoăn về việc vaccine đến từ đâu, vì các vaccine chỉ được sử dụng sau khi đã được đánh giá rất kỹ càng".

CHẶNG ĐƯỜNG CÒN DÀI

Dù là nước đạt số mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn thứ nhì thế giới tính đến thời điểm này, với 40 triệu mũi, Trung Quốc còn cách xa mục tiêu đề ra là đến giữa tháng 2 tiêm được cho 50 triệu người. Phần đông trong 1,4 tỷ dân của Trung Quốc không cảm thấy sự cấp bách phải tiêm phòng Covid trong một môi trường hiện nhìn chung không có nhiều rủi ro lây nhiễm. Ấn Độ cũng còn cách xa mục tiêu tiêm phòng Covid-19, khi người dân hoài nghi về một vaccine nội được phê chuẩn để tiêm trước khi việc thử nghiệm hoàn tất.

Sự e dè của người dân với vaccine Covid-19 cũng là một vấn đề ở Nhật Bản, quốc gia vẫn quyết tâm đăng cai Olympics vào mùa hè năm nay ở Tokyo. Việc tiêm phòng Covid cho phần lớn trong số 125 triệu người dân Nhật Bản có thể là một nhân tố then chốt quyết định thành công của kỳ Thế vận hội này. Tuy nhiên, Nhật Bản là một trong những quốc gia mà người dân có mức độ tin tưởng vào vaccine Covid thấp nhất thế giới.

Tuần trước, Nhật Bản đã bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế, nhưng phải đến giữa tháng 4 mới bắt đầu tiêm cho người già.

Sự trì hoãn và chần chừ ở châu Á đang tạo ra một khoảng cách tốc độ giữa các quốc gia trên thế giới trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng - một cột mốc quan trọng để lập lại cuộc sống bình thường.

Giới chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng nước này khó đạt được miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 trước năm 2022. Nói cách khác, miễn dịch cộng đồng đến nay mới có được ở Israel, và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã vượt mốc 50% dân số được tiêm. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đặt kỳ vọng đến cuối tháng 7, tất cả những ai muốn được tiêm chủng Covid-19 ở nước này đều có thể tiếp cận với vaccine.

Các nước châu Á hoàn toàn có thể đuổi kịp các nước phương Tây về tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19, nhất là những nước có dân số ít hơn. Hàn Quốc đã đặt mục tiêu tiêm cho toàn bộ dân số trước tháng 9, và Australia trước tháng 10, chỉ chậm hơn vài tháng so với những nước đi đầu như Mỹ và Anh.

Tiêm chủng ngừa Covid-19 là một bước tiến lớn của châu Á, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng khu vực này vẫn còn một chặng đường dài phải đi để trở lại sự bình thường.

"Trong trung đến dài hạn, ngay cả khi bạn sống ở một nước giàu như Australia, không ai có thể thực sự tự do đi lại cho tới khi chúng ta kiểm soát được sự lây nhiễm trên toàn cầu", giáo sư bệnh truyền nhiễm Peter Collignon thuộc Đại học Quốc gia Australia phát biểu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate