Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine, trong đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào diện trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho biết đây là gói trừng phạt thứ 9 của EU nhằm vào Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra hồi tháng 2.
“8 gói trừng phạt mà EU đã đưa ra đến nay đã gây ra tác động nặng nề với Nga và giờ đây chúng tôi muốn gia tăng áp lực với họ thông qua gói trừng phạt thứ 9”, bà Ursula von der Leyen nói.
Mọi gói trừng phạt của EU đều cần có sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp trong 8 gói trừng phạt trước đó đều từng được thông qua chỉ trong vài tuần, dù một số biện pháp bị loại bỏ hoặc giảm bớt. Gói trừng phạt thứ 8 trước đó được thông qua vào ngày 5/10, trong đó có thêm nhiều hạn chế thương mại với Nga và nhắm vào nhiều cá nhân, tổ chức của nước này.
Trong gói trừng phạt mới, EC đề xuất bổ sung gần 200 cá nhân và thực thể vào diện trừng phạt, bao gồm lực lược vũ trang, sĩ quan, nhân viên quốc phòng Nga, thành viên Hội đồng Liên bang Nga, thành viên Duma Quốc gia Nga, các bộ trưởng, thị trưởng và thành viên đảng chính trị. Danh sách này cũng bao gồm một số nhân vật chủ chốt trong các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào dân thường, bắt cóc trẻ em Ukraine và trộm cắp sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.
EC cũng đề xuất trừng phạt với thêm 3 ngân hàng của Nga, bao gồm cấm giao dịch toàn diện đối với Ngân hàng Phát triển khu vực Nga (RRDB), nhằm tiếp tục làm tê liệt “cỗ máy rút tiền” của Điện Kremlin.
Bên cạnh đó, gói trừng phạt mới đề xuất các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu mới, đặc biệt với các mặt hàng như hóa chất, chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin.
Gói trừng phạt mới cũng nhắm tới hạn chế khả năng tiếp cận của Nga với các thiết bị bay không người lái, đồng thời cấm xuất khẩu trực tiếp động cơ máy bay không người lái sang Nga hoặc bất kỳ quốc gia thứ ba nào có thể cung cấp phương tiện này cho Nga, như Iran.
Ngoài ra, EC cũng nhắm tới "cỗ máy tuyên truyền" của Nga bằng cách cho ngừng phát sóng thêm 4 kênh truyền hình và nhắm tới tất cả các nền tảng truyền thông khác.
Một đề xuất đáng chú ý khác trong gói trừng phạt mới là các biện pháp cấm vận kinh tế mạnh tay hơn đối với ngành công nghiệp năng lượng và khai khoáng của Nga, bao gồm cấm đầu tư mới vào lĩnh vực khai khoáng ở Nga.
Gói trừng phạt mới được đề xuất không lâu sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển vừa có hiệu lực hôm 5/12. Cùng ngày, Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia cũng thống nhất áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga. Những động thái này đánh dấu nỗ lực quyết liệt chưa từng thấy của phương Tây nhằm gây áp lực lên ngành công nghiệp mang lại nguồn thu lớn nhất của Moscow.