July 21, 2022 | 22:15 GMT+7

Châu Âu đeo khẩu trang trở lại, Covid-19 còn lâu mới chấm dứt?

Hoài Phương -

WHO mới đây đã khuyến cáo châu Âu cần đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi nhắc lại và quay lại áp dụng việc đeo khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ bùng dịch cũng như khả năng phải thực thi các biện nghiêm ngặt hơn như giãn cách xã hội…

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Trả lời phỏng vấn Hãng Reuters ngày 20/7, ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thúc giục các nước hãy nhanh chóng hành động để tránh tình trạng các hệ thống y tế bị quá tải vào mùa thu tới, trong bối cảnh biến thể phụ của Omicron là BA.5 tiếp tục lây lan nhanh chóng. Nếu không kịp thời hành động, ông Kluge cảnh báo các nước sẽ không thoát được viễn cảnh siết chặt các quy định phòng dịch trong tương lai gần.

Theo WHO, thế giới đang ở trong tình huống tương tự mùa hè năm ngoái. Khi số ca nhiễm gia tăng, số người nhập viện cũng sẽ tăng theo, đặc biệt trong mùa thu đông, khi trường học mở cửa trở lại. Kịch bản này đặt ra thách thức to lớn với lực lượng y tế các nước, vốn đã chịu áp lực rất lớn từ việc đối phó với các cuộc khủng hoảng không ngừng kể từ năm 2020.

Ông Hans Kluge nhận định các nước cần có các "biện pháp ổn định" trong thời kỳ xã hội hoạt động bình thường, chẳng hạn tiêm liều vaccine tăng cường, đeo khẩu trang trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng và cải thiện thông gió tại các không gian kín. "Đôi khi mọi người hỏi liệu virus đã quay trở lại? Nó chưa từng biến mất mà vẫn ở đó, lây lan, biến đổi và không may là vẫn đang cướp đi nhiều nhân mạng," người đứng đầu WHO châu Âu nói.

Không chỉ nắng nóng, châu Âu còn đang đối mặt với làn sóng Covid-19 ngay trong mùa hè, trái ngược với dự đoán của nhiều chuyên gia rằng virus có khả năng trở lại trong mùa thu đông. Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có lợi thế lây nhiễm và khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn các chủng trước đó. Nói cách khác, kháng thể từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên đều không cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Đây cũng là lý do khiến BA.4 và BA.5 trở thành hai biến chủng trội.

ECDC cho rằng cần tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và hạn chế tụ tập đông người.
ECDC cho rằng cần tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và hạn chế tụ tập đông người.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), số người vào khu hồi sức tích cực cao hơn giai đoạn trước. Cơ quan này cảnh báo làn sóng dịch bệnh mới đang bắt đầu. Trang Our World in Data thống kê các ca nhiễm tăng liên tục tại Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Hy Lạp, Áo, Italy, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin số ca nhiễm mới ở châu Âu đã tăng gấp ba lần trong vòng 6 tuần qua, với gần 3 triệu trường hợp trong tuần trước, chiếm một nửa tổng số ca toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện tăng gần gấp đôi.

Trước tình hình trên, ECDC cho rằng cần tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và hạn chế tụ tập đông người.

Theo Giám đốc Cơ quan Tiêm chủng Pháp Alain Fischer, câu hỏi đặt ra hiện nay không còn là liệu nước này có đối mặt với làn sóng virus mới hay không, mà là cường độ của nó ra sao. Ông ủng hộ việc khôi phục một số quy định phòng dịch như đeo khẩu trang để hạn chế sự lây lan của virus.

"Dịch bệnh đang gia tăng một lần nữa, đây là điều hoàn toàn bất ngờ. Các biến chủng phụ với khả năng lây nhiễm cao hơn từ 10 - 15%, dịch bệnh có lợi thế mới, dù mùa đông đã qua," tiến sĩ Benjamin Davido, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Raymond-Poincaré, nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, số ca nhiễm tăng một phần do giới chức đã thu hẹp đáng kể quy mô xét nghiệm. Tuy nhiên, các chính phủ từ lâu đã gạt bỏ viễn cảnh Covid-19 nguy cấp như giai đoạn đầu, hạn chế siết chặt các quy định về khẩu trang, vaccine hoặc nhập cảnh. Hầu hết các nước chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng tự nguyện, tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Nhưng tình hình hiện tại cho thấy Covid-19 vẫn chưa phải là bệnh theo mùa như kỳ vọng. Martin McKee, giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết những đợt bùng phát liên tiếp chưa cho thấy ý nghĩa lâu dài của chính sách sống chung với Covid-19. "Không có gì đảm bảo vaccine hiện tại sẽ tiếp tục hiệu quả chống lại các biến chủng trong tương lai. Các làn sóng đến và đi vài tháng một lần. Chúng ta cần đánh giá lại về hướng đi trong tương lai," ông McKee nói.

Nếu không kịp thời hành động, WHO cảnh báo các nước sẽ không thoát được viễn cảnh siết chặt các quy định phòng dịch trong tương lai gần.
Nếu không kịp thời hành động, WHO cảnh báo các nước sẽ không thoát được viễn cảnh siết chặt các quy định phòng dịch trong tương lai gần.

Theo CBS News, nghiên cứu của tổ chức Zoe Health ở Anh cho thấy những người nhiễm biến chủng phụ của Omicron thường bị đau họng và khàn tiếng. Điều này đúng cả với những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Trong thông cáo báo chí về nghiên cứu của mình, Zoe Health cho biết người đã nhiễm Omicron ít phải nhập viện hơn so với Delta. Các triệu chứng cũng kéo dài trong thời gian ngắn hơn, trung bình là 6,87 ngày, so với 8,89 ngày trước đây.

Các biến chủng nCoV trước đó thường khiến người mắc mất khứu giác. Nghiên cứu mới từ Zoe Health phát hiện triệu chứng này chỉ xuất hiện ở chưa đến 20% bệnh nhân và thường vài ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng nghiêm trọng khác từng phổ biến như sốt, đau đầu, sương mù não và đau mắt giờ đây ít phổ biến hơn ở người nhiễm biến chủng của Omicron. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể xảy ra.

Ngoài sự khác biệt về thời gian, các loại triệu chứng giữa hai biến chủng, nhóm tác giả cho biết virus ít được tìm thấy ở đường hô hấp dưới. Đây là nơi nhiễm trùng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, khiến người bệnh phải nhập viện. Đặc biệt, họ nhận thấy các triệu chứng nhiễm Omicron không kéo dài lâu ở những người đã được tiêm chủng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate