February 17, 2025 | 22:09 GMT+7

Châu Âu lo bị ông Trump “qua mặt” trong thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine

An Huy -

Mối lo này dấy lên sau bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại hội nghị an ninh ở Munich...

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Hội nghị An ninh Munich hôm 15/2 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Hội nghị An ninh Munich hôm 15/2 - Ảnh: Reuters.

Dù đã lường trước, giới chức châu Âu không thể tránh được cảm giác sốc trước những động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan tới Ukraine, Nga và sự phòng thủ của châu Âu trong những ngày gần đây, hãng tin Reuters cho hay.

Tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần vừa rồi, các đại biểu đến từ châu Âu cho thấy cảm giác thất vọng, mất niềm tin và thoáng chút hoảng sợ, dù họ đã cố thể hiện vẻ bình tĩnh khi đối mặt khoảng thời gian vài ngày có hàng loạt tuyên bố và bước đi ngoại giao của Washington. Theo Reuters, mối lo lớn nhất của giới chức châu Âu nằm ở việc họ không còn có thể tin tưởng chắc chắn vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ, vì ông Trump có thể đi đến một thỏa thuận hòa bình Ukaine với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không có lợi cho cả Kiev và an ninh châu Âu nói chung.

MỘT CHÂU ÂU LO SỢ VÀ LÚNG TÚNG

Mối lo này dấy lên sau bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại hội nghị an ninh ở Munich, trong đó chỉ thoáng đề cập đến Ukraine và sự phòng thủ của châu Âu, thay vào đó tập trung chỉ trích châu Âu cản trở tự do ngôn luận và thất bại trong việc kiểm soát dòng người di cư. Về phần mình, các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố họ sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của chính khu vực này, thông qua tăng cường chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí.

Tuy nhiên, sau nhiều năm có những tuyên bố như vậy - trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump vào năm 2017-2021 và sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022 - châu Âu hiện vẫn chưa đi đến được nhất trí về việc tổ chức nỗ lực đó như thế nào và dùng tiền ở đâu để chi. Châu Âu cũng đang đối mặt sức ép từ Mỹ về việc phải đưa ra kế hoạch đảm bảo an ninh cho Ukraine - một vấn đề mà các nhà lãnh đạo khu vực thảo luận tại một cuộc gặp thượng đỉnh được sắp xếp vội vã ở Paris vào ngày thứ Hai (17/2/2025).

Mối lo sợ của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc họ có thể bị ông Trump “qua mặt” đã tăng lên khi phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine, tướng Keith Kellogg vào hôm thứ Bảy tuyên bố rằng châu Âu sẽ không có mặt tại các cuộc đàm phán hòa bình nhưng quan điểm của châu Âu sẽ được tính đến trong các cuộc đàm phán này.

Sau đó cùng ngày, có tin rằng giới chức Mỹ và Nga sẽ gặp tại Saudi Arabia trong những ngày tới để khởi động cuộc thảo luận nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Giới chức Mỹ khẳng định họ sẽ chỉ bằng lòng với một thỏa thuận hòa bình bền vững và Ukraine sẽ tham gia vào tiến trình đàm phán.

Nhưng tại Munich - nơi đã diễn ra lễ ký hết hiệp ước 1938 cho phép Đức quốc xã sáp nhập vùng Sudetenland của Czechslovakia - một số nhà lãnh đạo châu Âu dự hội nghị an ninh công khai nói rằng họ lo ngại sẽ có những thỏa hiệp bất lợi cho châu Âu và Ukraine trong cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine.

“Khi đứng đây, tại Munich và buổi tối ngày hôm nay, tôi không thể ngừng đặt câu hỏi: Chúng ta đã ở đây bao giờ chưa?”, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Kaja Kallas, nói vào tối hôm thứ Bảy. Thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan viết trên mạng xã hội X hôm Chủ nhật: “Với tư cách một nhà sử học và một chính trị gia, điều duy nhất tôi có thể nói ngày hôm nay là: Munich, đừng bao giờ lặp lại”.

Theo Reuters, châu Âu đang “run sợ” trước loạt động thái của chính quyền ông Trump trong những ngày gần đây, ngay cả khi Washington tuyên bố sẽ duy trì cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự giữa hai bờ Đại Tây Dương đã giữ vai trò hòn đá tảng cho an ninh châu Âu trong suốt 75 năm qua.

CHÂU ÂU MUỐN THAY ĐỔI ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI THỰC TẾ MỚI

Ngày 12/2/2025, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố tại trụ sở NATO rằng một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine sẽ không bao gồm việc Ukraine gia nhập NATO và sẽ là phi thực tế nếu Ukraine muốn quay trở lại với đường biên giới như trước năm 2014 - thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine. Ông Hegseth cũng cho rằng “thực tế chiến lược phũ phàng” khiến Mỹ không thể “chỉ tập trung vào vấn đề an ninh châu Âu”.

Sau đó cùng ngày, ông Trump cho biết đã có cuộc điện đàm với ông Putin, đưa ra đánh giá lạc quan về cuộc nói chuyện và cho biết đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu ngay lập tức. Các động thái này của ông Trump được đánh giá là đảo lộn chính sách đã duy trì nhiều năm của phương Tây, được chính quyền Tổng thống Joe Biden và các cường quốc châu Âu theo đuổi, là cô lập Nga và yêu cầu đàm phán hòa bình chỉ có thể bắt đầu khi Ukraine ở vào vị thế mạnh hơn trên chiến trường.

Nhiều bước đi trong số này của ông Trump đã được ông gợi ra từ trước trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, đồng thời phù hợp với quan điểm của ông trong nhiệm kỳ thứ nhất. Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump liên tục chỉ trích NATO và cáo buộc châu Âu không chịu chi đủ cho quốc phòng. Tuy nhiên, những động thái mới của ông Trump vẫn khiến các nhà lãnh đạo châu Âu rơi vào thế bị động.

Phó tổng thống Mỹ JP Vance tại Munich ngày 14/2/2025 - Ảnh: Reuters.
Phó tổng thống Mỹ JP Vance tại Munich ngày 14/2/2025 - Ảnh: Reuters.

Đã mất nhiều tháng để thảo luận về một kế hoạch đảm bảo an ninh của châu Âu cho Ukraine, châu Âu đang rơi vào thế bắt buộc phải hành động vì yêu cầu ngoại giao của phía Mỹ đòi hỏi họ phải đưa ra một kế hoạch chi tiết. Hôm Chủ nhật, lãnh đạo Pháp và Phần Lan đã lên tiếng kêu gọi EU bổ nhiệm một đặc phái viên cho các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine - vài tháng sau khi ông Trump đã bổ nhiệm một nhân vật như vậy bên phía Mỹ.

Dù vậy, nhiều quan chức châu Âu vẫn bày tỏ sự băn khoăn khi họ cố gắng xác định xem liệu chính quyền Trump đã có một kế hoạch chi tiết cho Ukraine hay chưa và ai là những nhân vật chủ chốt trong kế hoạch đó. Một số quan chức châu Âu đặt hy vọng vào các cuộc thảo luận kín với giới chức Mỹ, những cuộc nói chuyện mà họ nói là điềm đạm hơn và mang tính xây dựng hơn những phát biểu thẳng thừng công khai của ông Vance, ông Hegseth và các quan chức Mỹ khác.

Nhưng một số khác cho biết họ cảm thấy lo lắng về an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương nói chung, cho rằng chính quyền Trump không chỉ theo đuổi các chính sách khác biệt với châu Âu và còn đang chủ động quay lưng lại với các chính trị gia dòng chính của khu vực này. Hôm thứ Sáu, Phó tổng thống Vance đã gặp lãnh đạo của đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - chính đảng đang gây ra nhiều lo ngại trong hàng ngũ các đảng dòng chính ở châu Âu - ngay trước thềm một cuộc bầu cử toàn quốc ở Đức vào ngày 23/2/2025.

“Rõ ràng, Mỹ bây giờ muốn phá vỡ trật tự mà chính họ tạo ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều đó bao gồm cả việc làm suy yếu EU. Chúng tôi sẽ phải chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với điều đó và thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình”, một nhà ngoại giao châu Âu nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate