August 30, 2022 | 10:37 GMT+7

Châu Âu phải chịu hóa đơn điện và khí đốt “cắt cổ” đến bao giờ?

Trang Linh -

Giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng gấp gần 6 lần so với một năm trước, còn giá điện lập kỷ lục mới mỗi ngày. Giá năng lượng tăng vọt đẩy lạm phát tại châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều năm, gia tăng gánh nặng với các hộ gia đình và các ngành công nghiệp...

Ông Ben Van Beurden, CEO của Shell - Ảnh: Reuters
Ông Ben Van Beurden, CEO của Shell - Ảnh: Reuters

Ông Ben Van Beurden, Tổng giám đốc (CEO) của tập đoàn dầu khí khổng lồ Shell mới đây cảnh báo rằng châu Âu có thể phải gồng mình trải qua nhiều mùa đông với hóa đơn điện “cắt cổ” và phải phân bổ điện theo định mức khi do Nga siết nguồn cung khí đốt.

“Có thể chúng ta sẽ trải qua nhiều mùa đông mà ở đó, chúng ta phải tìm ra giải pháp cho tình trạng này thông qua việc tiết kiệm hiệu quả, phân bổ năng lượng theo định mức và tìm kiếm nguồn cung thay thế thật nhanh”, ông  Van Beurden nhận định tại một hội thảo ngày 29/8 tại Stavanger, Na Uy. “Chúng ta phải đối đầu với thực tế này”.

Tháng trước, CEO của Shell cũng cảnh báo rằng thị trường năng lượng vẫn đang thắt chặt với nguồn cung bị hạn chế và giá cả có thể sẽ tiếp tục biến động không chỉ trong thời gian còn lại của năm này mà còn kéo dài sang năm sau.

Theo Reuters, châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng khi Nga siết dòng chảy khí đốt sang châu lục này sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Điều này đã đẩy giá khí đốt tăng gấp 6 lần so với một năm trước. Tuần trước, giá điện và khí đốt tại châu Âu lập kỷ lục mới mỗi ngày. 

Hôm 19/8, tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom thông báo sẽ dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày (từ ngày 31/8-2/9). Thông báo này càng khiến nhiều người thêm lo ngại về việc nguồn cung khí đốt qua đường ống huyết mạch này có thể bị giảm thêm nữa hoặc dừng hoàn toàn sau 3 ngày bảo trì bất ngờ này.

Giá năng lượng tăng vọt đẩy lạm phát tại châu Âu lên mức cao nhất trong nhiều năm, gia tăng gánh nặng với các hộ gia đình và các ngành công nghiệp trên khắp châu Âu.

Tại Pháp, giá điện đã tăng tới 13% chỉ trong ngày 26/8 lên 1.003 USD/megawatt giờ (MWh) - đây là lần đầu tiên giá điện ở mức này, theo ước tính của Bloomberg. Trong 12 tháng qua, giá điện tại nước này đã tăng gấp 10 lần. Sản lượng điện tại Pháp cũng đang bị hạn chế do sự cố tại một số nhà máy điện hạt nhân.

Cùng ngày, ở Đức, giá điện cũng lập kỷ lục 843 USD/MWh, tăng 50% chỉ trong 1 tuần.

Cũng trong tuần trước, giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng 40% do tâm lý lo lắng về tình trạng thiếu nguồn cung vào mùa đông. Tuần này, đầu phiên giao dịch ngày 29/8, giá khí đốt đã giảm 16%, sau khi Đức cho biết các cơ sở dự trữ khí đốt của nước này đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến ban đầu. Theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe, tính tới ngày 28/8, dự trữ khí đốt của EU đầy ở mức 79%, riêng dự trữ của Đức là gần 83%.

Tuy nhiên, dù các kho dự trữ khí đốt ở Đức đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến, nước này vẫn có thể phải trải qua mùa đông không suôn sẻ nếu bị Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đang lên kế hoạch thực hiện các bước khẩn cấp để hạ giá điện khi mà mức giá cao chót vót đang làm bộc lộ những hạn chế trong cấu trúc thị trường điện hiện tại. Các chính phủ trên khắp châu Âu đã dự phòng một gói hỗ trợ trị giá khoảng 280 tỷ Euro (tương đương 278 tỷ USD).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate