Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng, đối với các doanh nghiệp ở khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), một đồng USD mạnh là tốt, còn một đồng Euro mạnh là không tốt.
Tuy nhiên, tờ New York Times cho hay, khi chứng kiến sự trượt dốc của tỷ giá Euro/USD từ mức 1 Euro đổi được 1,50 USD hồi tháng 11/2009 xuống mức 1 Euro chỉ tương đương 1,37 USD hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Eurozone đang phải đương đầu với những vấn đề phức tạp mới nổi lên.
Đúng là đồng Euro suy yếu là một nhân tố hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu của châu Âu. Với tỷ giá Euro giảm, hàng hóa xuất khẩu của châu Âu, từ xe hơi, máy móc, tới rượu bia trở nên rẻ hơn khi được tiêu thụ ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ và cả những quốc gia neo tỷ giá đồng nội tệ vào USD.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng là điều mà các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang cần, vì họ đang đương đầu với thâm hụt thương mại khổng lồ và chật vật để tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
“Tôi chưa thấy ai than vãn về việc Euro mất giá cả”, ông Ralph Weichers, chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Cơ khí Đức, cho hay.
Mặc dù vậy, sự đi xuống của đồng Euro cũng mang trong nó hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực. Giá dầu lửa và các loại nguyên vật liệu thô được định giá bằng đồng USD đang leo thang. Giá tiêu dùng cũng có thể chịu áp lực tăng do hàng hóa nhập khẩu từ thị trường bên ngoài vào Eurozone có thể trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân ở khu vực này.
Quan trọng hơn, tình trạng đuối sức của đồng tiền chung châu Âu còn như phát đi một thông điệp chẳng mấy dễ chịu đối với châu lục này rằng, nền kinh tế khu vực của họ đang yếu kém so với kinh tế Mỹ.
New York Times cũng cho rằng, Euro mất giá cũng là bằng chứng rõ nét nhất về sự lo ngại của giới đầu tư trước cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sự bất lực của Eurozone trong việc đảm bảo các quốc gia thành viên tuân thủ chặt chẽ các quỹ định về chính sách tài khóa.
“Tình hình là đồng Euro đang yếu đi chứ không phải là do đồng USD mạnh lên. Cả thế giới đang theo dõi và ít nhiều đặt sự nghi ngờ quanh đồng Euro”, ông Ulf Scheneider, Giám đốc điều hành của Fresenius, một doanh nghiệp thiết bị y tế của Đức, nhận xét.
Tỷ giá Euro/USD thời gian qua liên tục “nhảy múa” theo diễn biến của khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.
Hồi tháng 2, Euro đã trượt giá xuống mức 1 Euro tương đương 1,35 USD do giới quan sát đặc biệt lo ngại về cuộc khủng hoảng trên. Tuy nhiên, gần đây, nhờ kế hoạch mạnh tay của Hy Lạp nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, đồng Euro đã phục hồi trở lại.
Theo các nhà phân tích thuộc ngân hàng Commerzbank của Đức, tỷ giá Euro có thể phục hồi thêm về ngưỡng 1 Euro “ăn” 1,40 USD trong vài tuần tới khi các nhà đầu tư trước đó đã thực hiện chiến lược bán khống Euro thực hiện việc mua vào để tất toán trạng thái.
Mấy ngày qua, tỷ giá Euro/USD “rung rinh” trong khoảng 1 Euro tương đương 1,36-1,38 USD theo các thông tin về khả năng EU sẽ cứu trợ Hy Lạp. Giới đầu tư hiện vẫn tỏ ra khá thận trọng vì các nước EU vẫn chưa có kế hoạch nào thật chi tiết cho việc hỗ trợ quốc gia thành viên này.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong vòng khoảng 1 năm tới, đồng Euro có thể sẽ tiếp tục suy yếu khi tăng trưởng kinh tế ở Mỹ tăng tốc nhanh hơn ở châu Âu. Ngoài ra, đồng USD có thể còn được hỗ trợ bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản sớm hơn và nhanh hơn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cùng với tốc độ tăng trưởng tốt hơn ở Mỹ, lãi suất cao hơn của USD sẽ thu hút các nhà đầu tư tìm đến nhiều hơn với các tài sản bằng USD.
“FED được dự báo sẽ tăng lãi suất trong năm nay, và có những bước tăng nhanh chóng hơn. Có khả năng sang năm sau ECB mới tăng lãi suất và sẽ tăng chậm hơn”, ông Antje Praefcke, một chiến lược gia cao cấp về thị trường ngoại hối của ngân hàng Commerzbank, nhận định. Ông này dự báo, tỷ giá Euro/USD sẽ trượt về ngưỡng 1 Euro đổi được 1,20 USD vào cuối năm nay.
Mặc dù vậy, vấn đề mà các doanh nghiệp trong Eurozone quan tâm nhất những ngày này không phải là giá trị của Euro mà là tính ổn định của tỷ giá đồng tiền này. Giới chủ doanh nghiệp trong khu vực hy vọng, tỷ giá Euro sẽ không có những cú tăng giảm quá mạnh.
“Các công ty thường định ra kế hoạch kinh doanh trướng 18 tháng. Nếu tỷ giá đồng tiền biến động mạnh, họ sẽ không có đủ thời gian để phản ứng và phòng vệ”, ông Praefcke cho hay.
Trong vòng hai năm trở lại đây, sự trồi sụt mạnh mẽ của tỷ giá Euro/USD đã khiến các doanh nghiệp ở châu Âu đau đầu.
Biểu đồ tỷ giá giữa Euro so với USD từ tháng 2/2006 đến nay.
Sau khi tăng khá đều đặn trong hơn hai năm, đồng Euro đạt mức đỉnh gần 1 Euro đổi được 1,60 USD vào tháng 7/2008. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, Euro và phần lớn các đồng tiền chủ chốt khác đã đồng loạt trải qua sự biến động chóng mặt về tỷ giá. Tháng 11/2008, tỷ giá Euro/USD chỉ còn 1 Euro tương đương hơn 1,20 USD, rồi sau đó tiếp tục “nhảy múa” và leo lên mức 1 Euro đổi được hơn 1,50 USD vào tháng 12/2009.
Những biến động mạnh về tỷ giá đồng USD, Euro và Yên Nhật cũng tạo ra những cú sốc đối với đồng tiền của các nước thuộc Đông Âu và châu Á. Nhiều nhà xuất khẩu, trong đó có hãng xe lớn nhất châu Âu Volkswagen, đã thiệt hại khá nặng vì sự biến động tỷ giá như vậy.
Theo các nhà phân tích của UniCredit, Volkswagen đã ngậm ngùi trả thêm chi phí 1,2 tỷ Euro (tương đương 1,65 tỷ USD) do biến động tỷ giá của đồng Rúp và các đồng tiền khác trong năm 2009.
Hãng bia Heineken của Đức cũng khốn đốn vì sự mất giá mạnh của đồng tiền của các nước mới nổi. Heineken cho biết, đồng Zloty của Ba Lan mất giá 23% trong năm 2009 đã khiến doanh thu của hãng sụt giảm 37 triệu USD. Tương tự, đồng USD của năm 2009 yếu đi so với năm 2008 đã khiến doanh thu của Heineken “bốc hơn” 17 triệu USD.
Trong thập kỷ qua, các công ty đã thực hiện những nỗ lực lớn nhằm tự vệ trước các cú sốc về tỷ giá. Thậm chí, nhiều công ty quy mô nhỏ cũng đã hình thành thói quen sử dụng các biện pháp phòng vệ tài chính để ngăn ngừa ảnh hướng của những thay đổi đột biến về tỷ giá có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của châu Âu như Daimler, BMW... đã mở rộng hoạt động tại Mỹ để điều chỉnh chi phí sản xuất về mức phù hợp với doanh số.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate