Bà Thapanee Kiatphaibool, giám đốc TAT, cho biết, các hoạt động lễ hội tại riêng Công viên Sanam Luang và Đại lộ Ratchadamnoeng ở Thủ đô Bangkok đã tạo ra doanh thu ấn tượng khoảng 950 triệu THB (25,8 triệu USD) từ việc bán đồ ăn, đồ uống, đồ lưu niệm, chi tiêu đi lại, lưu trú. Bà Thapanee nhấn mạnh lễ hội và địa điểm tổ chức - Sanam Luang - là chủ đề được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, góp phần quảng bá một trong những điểm du lịch quan trọng của Thái Lan tới du khách nước ngoài.
Tính chung, Thái Lan đã chào đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế và đạt khoản doanh thu hơn 520 tỷ baht (khoảng 14,25 tỷ USD) tính từ đầu năm 2024 đến hết kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hôm 16/4. Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, Trung Quốc đứng đầu về lượng du khách đến Thái Lan với hơn 2 triệu lượt người, tiếp theo là Malaysia (1,39 triệu lượt người). Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ xếp sau với khoảng từ 550.000 đến 700.000 lượt người.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm 16/4 bày tỏ vui mừng về mức độ tăng trưởng của du khách quốc tế lên tới hơn 140% so với năm 2023. Ông Srettha kỳ vọng du khách nước ngoài sẽ tiếp tục lựa chọn Thái Lan là điểm đến ưa thích thời gian tới, trong bối cảnh nước này đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chào đón du khách. Thái Lan đặt mục tiêu đón từ 38 - 40 triệu lượt du khách quốc tế và tạo ra khoản doanh thu lên tới 3.000 tỷ baht (82,19 tỷ USD) trong năm nay, ngang bằng với mức trước đại dịch Covid-19.
Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra các mục tiêu biến nước này trở thành trung tâm du lịch của thế giới, với 2025 là năm bản lề. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch Thái Lan (FETTA) chuẩn bị trình bày một sách trắng cho chính phủ nêu các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng quá tải du lịch, một vấn đề quan trọng ở Thái Lan trước đại dịch. Tổng thư ký FETTA, ông Adith Chairattananon, chỉ ra rằng các điểm du lịch lớn như Phuket, Samui và Pattaya đang trên bờ vực quá tải du lịch, với dự kiến thu hút 40 triệu khách.
Cụ thể ở mùa cao điểm du lịch, Phuket đã chứng kiến tình trạng tắc nghẽn giao thông và thiếu nước, trong khi sân bay quốc tế Phuket không còn chỗ trống cho các hãng hàng không. Theo Tổng thư ký Fetta, một trong những chiến lược quan trọng là thu hút khách du lịch từ các trung tâm lớn đến các thành phố cấp hai của Thái Lan, nơi có nhiều điểm tham quan tiềm năng và không gian để đáp ứng lượng khách du lịch đáng kể.
Ông Adith cũng đề xuất ưu đãi cho các hãng hàng không khai thác chuyến bay thẳng đến các sân bay cấp tỉnh như U-Tapao, Khon Kaen và Krabi. Điều này sẽ giảm bớt tắc nghẽn tại các sân bay lớn như Phuket hay Suvarnabhumi và kích thích các cơ hội kinh doanh trong khu vực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần đẩy mạnh kết nối giữa các sân bay với nội thành. Ví dụ, việc thiếu phương tiện đi lại bằng xe buýt công cộng từ Sân bay U-tapao đến Thành phố Pattaya đã ngăn cản các hãng hàng không mới khai thác chuyến bay vì tình hình hiện tại không thuận tiện cho hành khách.
Trong khi đó, Bangkok Post đưa tin, ông Surawat Akaraworamat, Phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), cho biết chính phủ nên xem xét lại việc thu phí du lịch 300 baht để giúp tài trợ cho phát triển du lịch vì kế hoạch và mọi công tác chuẩn bị liên quan hiện đã được hoàn tất. Ông Surawat nhấn mạnh các quỹ thiết yếu sẽ mang lại lợi ích cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh hạng hai nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời cải thiện các điểm tham quan đã xuống cấp do tình trạng quá tải khách du lịch.
Theo ông, khoản phí 300 baht sẽ giúp các cơ quan du lịch nhận được ngân sách lớn hơn để duy trì các dự án cần thiết, trong khi mức phí này cũng không phải là quá đắt để ngăn cản du khách quốc tế đến Thái Lan như một số ý kiến lo ngại khi so sánh với mức phí ở các quốc gia khác. Chẳng hạn Bhutan đang thu thuế du lịch hơn 100 USD (khoảng 3.700 baht) mỗi đêm. Ông Surawat cho hay nhiều quốc gia ngày nay đang thu thuế từ khách du lịch, thông qua vé máy bay hoặc lưu trú tại khách sạn. Thái Lan nên bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thu thuế du lịch thông qua ứng dụng di động hoặc tại các kios ở sân bay.
Cùng thời điểm với đề xuất thu thuế du khách, Thủ tướng Srettha Thavisin đã gặp Giám đốc điều hành cuộc đua F1 Stefano Domenicali vào đầu tuần này và cho biết Thái Lan có tất cả những gì cần thiết để tổ chức cuộc đua công thức 1, theo Bloomberg. Ông Srettha đã cam kết sẽ nâng cao vị thế của Thái Lan thành một trung tâm hàng không và hậu cần để kích thích nền kinh tế quốc gia. Ông đã thúc đẩy các chiến dịch quảng cáo nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch và các lễ hội quanh năm nhằm tăng số lượng khách du lịch nước ngoài.
Theo trang SCMP, chuyến thăm của các giám đốc điều hành giải đua F1 diễn ra sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo với ông Stefano Domenicali ở Paris vào tháng trước khi hai bên thảo luận về khả năng Thái Lan tổ chức một cuộc đua đường phố. Tại Đông Nam Á, Singapore tổ chức chặng đua F1 trên đường đua Marina Bay Street Circuit, nằm bên bờ sông thành phố. Theo chính quyền quốc đảo, kể từ khi ra mắt vào năm 2008, giải đua F1 Singapore Grand Prix đã thu hút hơn 550.000 du khách nước ngoài và tạo ra doanh thu du lịch gia tăng khoảng 2 tỷ đô la Singapore (1,47 tỷ USD).
Jakkaphon Tangsutthitham, Phó tổng thư ký của thủ tướng, cho biết nếu Thái Lan giành được quyền đăng cai một cuộc đua F1 vào năm 2027, nước này có thể đem lại giá trị kinh tế khoảng 4 tỉ baht (108 triệu USD) và tạo ra hơn 1.000 việc làm. Chính quyền ông Srettha đã đặt mục tiêu thu hút 80 triệu khách du lịch vào năm 2027.
Nước này cũng đang cân nhắc kế hoạch mở sòng bạc bên trong các khu phức hợp giải trí lớn và thúc đẩy du lịch dựa trên sự kiện để giúp người dân tăng thu nhập. Theo dự thảo này, các doanh nghiệp tư nhân sẽ gánh chi phí xây dựng và vận hành các tổ hợp giải trí, trong đó có các sòng bạc, trong khi chính phủ chịu trách nhiệm đánh thuế và quản lý. Những người trong ngành tin rằng nếu thị trường casino được hợp pháp hóa thì Thái Lan sẽ thành công lớn trong việc thu hút du khách quốc tế và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với “kinh đô cờ bạc” Macau.