Sau những vụ cháy nổ xe máy liên tục thời gian vừa qua đã có không ít ý kiến cho rằng có thể nguyên nhân là do chất lượng xăng.
Tuy nhiên, bên lề hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng chuyên đề về sản phẩm thiết bị điện, điện tử năm 2011, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ngày 28/12, trả lời VnEconomy, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, rất khó có thể nói xăng có trị số octan thấp là nguyên nhân gây ra cháy nổ.
Ông Dũng nói:
- Hiện tại, các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang quan tâm tìm hiểu rất kỹ. Tất nhiên, đây là một việc làm rất khó, cơ quan điều tra đang nghiên cứu, tìm hiểu. Tuy nhiên, những hiện trường các vụ cháy đều không giữ được nguyên trạng do công tác chữa cháy hoặc giải quyết việc ách tắc giao thông đã khiến các cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, trách nhiệm tìm hiểu, đánh giá sự việc liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, mà trong đó liên quan đến chất lượng phương tiện khi đủ điều kiện tham gia giao thông thuộc cơ quan đăng kiểm thuộc (ngành Giao thông Vận tải).
Nhưng cụ thể về những ý kiến rằng, xăng pha tạp, kém chất lượng làm thay đổi chỉ số octan (chỉ số chống kích nổ - PV) có thể dẫn đên cháy nổ thì sao?
Theo tôi, xăng pha tạp làm thay đổi chỉ số octan để ảnh hưởng đến cháy nổ xe máy sẽ rất khó. Việc giảm trị số octan của xăng chỉ liên quan đến việc chống kích nổ của ô tô, xe máy.
Với các xe máy hiện nay, đặc biệt là xe máy cũ thì tỷ số nén của động cơ không cao, nên việc dùng xăng có trị số octan thấp, kể cả sử dụng loại xăng A83 đi chăng nữa cũng không dễ gây ra kích nổ của động cơ. Bản thân xăng dầu đã là chất dễ cháy, trong khi đó, theo tôi được biết, ngay cả khi thử nghiệm bằng việc cho bu-gi vào trong bình xăng để tạo sự đánh lửa cũng không dễ cháy được.
Còn việc cháy xe có nhiều nguyên nhân, như rò rỉ xăng và có sự chập điện thì cũng có thể dẫn đến cháy; việc cuốn vật liệu dễ cháy (nilong chẳng hạn) vào cổ ống bô cũng có thể gây cháy; ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa; có cả những bộ phận cháy chỉ liên quan đến phần bánh trước thì chẳng liên quan gì đến xăng dầu cả.
Một nguyên nhân mà theo tôi cũng không loại trừ do thói quen sử dụng xe máy không thực hiện việc bảo dưỡng, chăm sóc xe định kỳ của người sử dụng cũng có thể có bộ phận dễ chập điện gây nên cháy,…
Như thế có nghĩa là, chất lượng xăng dầu chắc chắn không phải là nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ xe máy?
Việc cháy nổ xe máy có rất nhiều nguyên nhân và các cơ quan chức năng đang tìm hiểu làm rõ. Còn theo tôi, nói việc giảm trị số octan làm thay đổi chất lượng xăng dầu vừa qua tác động đến việc cháy xe là rất khó.
Năm 2012, trọng tâm thanh tra chất lượng xăng, gas
Điều đáng chú ý, trong đánh giá của Bộ, thời gian qua, hiện tượng gian lận xăng dầu đang có sự chuyển đổi từ lượng sang chất?
Năm 2008, toàn ngành chúng tôi đã tiến hành thanh tra về đo lường, chất lượng xăng dầu trên toàn quốc. Qua đó đã phát hiện chủ yếu là các hành vi gian lận về đo lường, đặc biệt là việc gắn chip vào một số bộ phận kỹ thuật tinh vi để gian lận với số lượng lớn và đã được các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm khắc, kể cả việc rút giấy phép.
Về mặt chất lượng cũng đã được lấy mẫu để thử nghiệm, nhưng không phát hiện được nhiều lắm, chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ (gần 4% số hành vi vi phạm). Còn hiện nay, khi họ khó gian lận được về mặt số lượng nữa, thì họ đang có thể chuyển dần sang gian lận về mặt chất lượng như các vụ việc phát hiện tại Tp.HCM vừa qua.
Cụ thể là thế nào thưa ông?
Trước đây, hiện tượng pha xăng cũng đã có. Tuy nhiên, do nguồn xăng của Petrolimex (khoảng 60%) có pha màu cho từng loại nên việc pha vào nhau để gian lận về chất lượng khó khăn hơn. Việc còn tồn tại xăng A83, 86, phục vụ cho các thiết bị không đòi hỏi xăng có trị số octan cao thì hiện tượng pha xăng vẫn còn phổ biến, tất nhiên các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ đã có quan điểm không để tồn tại những loại xăng có trị số octan thấp, tuy nhiên cũng cần có thời gian và lộ trình cụ thể.
Còn loại xăng thông thường như hiện này thì người ta cũng chỉ chủ yếu gian lận về chỉ số octan, tức là pha chỉ số octan thấp hoặc chỉ số octan cao để gian lận chênh lệch thương mại về giá.
Theo những gì Thanh tra Bộ biết thì tình trạng vi phạm về chất lượng xăng dầu có nhiều không?
Sau cuộc thanh tra năm 2008, các tỉnh tùy theo tình hình tại địa phương mình vẫn tiếp tục duy trì việc hoạt động thanh tra, kiểm tra về đo lường và chất lượng xăng dầu. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 mà chúng tôi tổng hợp được theo báo cáo của 63 sở khoa học và công nghệ, thì 43/63 tỉnh vẫn tiến hành hoạt động thanh tra về đo lường và chất lượng xăng dầu.
Do có hiện tượng gian lận chất lượng xăng dầu, nên trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011, chúng tôi cũng đã quan tâm và lưu ý đến việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng và kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM là một trong những sự quan tâm đó.
Vậy trước thực trạng này, mục tiêu trong kế hoạch của Thanh tra Bộ năm 2012 là gì?
Thời gian qua, dư luận đã quan tâm đến chất lượng xăng dầu, theo quan điểm của tôi, cần phải huy động lực lượng của toàn ngành, phối hợp với các ngành liên quan để tái tiến hành cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề đối với mặt hàng này, cả về đo lường, chất lượng xăng dầu và đo lường, chất lượng khí hóa lỏng (gas).
Cụ thể, kế hoạch thanh tra xăng dầu và gas năm 2012 là như thế nào?
Bộ có thành lập Ban công tác nâng cao hiệu quả về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và nhập khẩu để thực hiện Chỉ thị 18 của Bộ trưởng Bộ (gọi tắt là Ban công tác 18).
Thanh tra Bộ là cơ quan thường trực của Ban công tác 18 có trách nhiệm phân tích kết quả thanh tra, kiểm tra tổng hợp được từ các sở trên toàn quốc và những vấn đề nảy sinh gây bức xúc trong dư luận xã hội nếu vấn đề đó không chỉ ảnh hưởng đến một số ít địa phương để đề xuất nội dung thanh tra chuyên đề với Ban công tác 18. Sau đó Bộ trưởng sẽ có công văn gửi tới các UBND tỉnh để phối hợp chỉ đạo việc tiến hành thanh tra trên toàn quốc.