Chính phủ Hy Lạp ra sức bảo vệ chính sách tuần làm việc 6 ngày mà nước này công bố mới đây, nói rằng đây là một “biện pháp ngoại lệ” sẽ chỉ được áp dụng trong “những tình huống cụ thể”.
Đầu tháng 7 này, Athens công bố quy định mới cho phép người lao động tại một số lĩnh vực có thể làm việc thêm 2 giờ mỗi ngày, hoặc thêm một ca làm việc 8 giờ vào lịch làm việc mỗi tuần. Điều này đồng nghĩa những người lao động đó có thể làm việc 48 giờ mỗi tuần, thay vì làm việc 40 giờ/tuần như truyền thống. Chính sách này không áp dụng cho ngành dịch vụ ăn uống và du lịch.
Theo hãng tin CNBC, dư luận đã nổi giận về chính sách này và bày tỏ sự giận dữ đó trên mạng xã hội. Quy định mới cũng vấp phải phản ứng dữ dội từ các tổ chức công đoàn và nhà quan sát chính trị. Chủ trương về tuần làm việc 6 ngày đã được công bố lần đầu trong một dự luật trình vào tháng 9 năm ngoái, và ở thời điểm đó, hàng nghìn người Hy Lạp đã xuống đường biểu tình để bày tỏ sự phản đối.
Một số nhà phê bình bày tỏ lo ngại về việc chính sách mới có thể được áp dụng cho cả các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh khác, hoặc đồng nghĩa người lao động có thể không được trả đầy đủ hoặc phải làm việc quá nhiều.
“Một điều quan trọng cần lưu ý là quy định mới này không hề ảnh hưởng tới chế độ làm việc 5 ngày hoặc 40 giờ mỗi tuần đã được quy định trong luật pháp Hy Lạp, và cũng không hề thiết lập chế độ làm việc 6 ngày/1 tuần hoàn toàn mới” đối với tất cả mọi người - Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Hy Lạp Niki Kermeus nói trong một email gửi CNBC. “Chính sách này chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định, để người lao động có thể lựa chọn làm việc thêm 1 ngày trong tuần, như một biện pháp ngoại lệ”.
Quy định mới chỉ áp dụng với 2 lĩnh vực kinh doanh, đó là những doanh nghiệp hoạt động 24/7 với các ca làm việc luân phiên và những doanh nghiệp làm việc 24 giờ/ngày và 5-6 ngày trong tuần với những ca làm việc luân phiên - theo bà Kerameus.
Riêng đối với các doanh nghiệp không hoạt động suốt tuần, “tùy chọn ngày làm việc thêm chỉ được phép áp dụng trong trường hợp khối lượng công việc tăng lên”, vị Bộ trưởng giải thích.
Bà Karameus nói quy định mới sẽ bảo vệ người lao động khỏi tình trạng phải làm việc chui, đồng nghĩa họ không được trả đầy đủ cho công việc mà họ làm. Chẳng hạn, tiền lương của người lao động sẽ tăng do giờ làm việc chính thức của họ tăng.
“Ngoài ra, luật mới quy định có thêm biện pháp để bảo vệ người lao động, chẳng hạn ngày nghỉ được đảm bảo, giờ làm việc cụ thể, và các biện pháp chống sa thải vô lý”, bà Karameus nói.
Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tình bình quân, người lao động Hy Lạp có giờ làm việc dài hơn so với ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022. Người lao động Hy Lạp làm việc bình quân nhiều hơn 300 giờ mỗi năm so với mức bình quân trong toàn EU.
Bà Kerameus nói nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp và quy định tương tự như chính sách mới của Hy Lạp. “Hầu hết các quốc gia ở châu Âu có điều khoản tương tự về ngày làm việc thêm ngoại lệ. Bởi vậy, Hy Lạp không làm điều gì khác biệt cả”, bà nói.
Tuy nhiên, việc Hy Lạp đưa ra chính sách làm việc 6 giờ mỗi tuần bị cho là một sự đi ngược so với phần còn lại của thế giới. Ở Mỹ, thượng nghị sỹ Bernie Sanders đang kêu gọi giảm số giờ làm việc chính thức hàng tuần xuống còn 32 giờ từ 40 giờ hiện nay. Nhiều nước như Anh, Iceland và New Zealand đã tiến hành thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày mỗi tuần.
Hy Lạp hiện đang đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động có kỹ năng, có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ công 2009. Khi đó, một số lượng lớn người lao động, chủ yếu là người Hy Lạp trẻ, bỏ ra nước ngoài để tìm kiếm công việc tốt hơn. Nhiều công ty cũng cắt giảm hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực, khiến tình trạng thiếu lao động có trình độ càng tệ hơn.
Theo chính sách mới, người lao động sẽ được trả thêm 40% tiền lương so với bình thường đối với ngày làm việc thứ sáu trong tuần. Mức tăng sẽ là 115% nếu ngày làm việc thứ sáu đó rơi vào Chủ nhật hoặc ngày lễ.
Ông Nikos Fotopoulos, Tổng thư ký tổ chức công đoàn của khu vực kinh tế tư nhân Hy Lạp, gọi Chính phủ Hy Lạp hiện nay là “chính phủ tàn nhẫn và chống lại người lao động chưa từng thấy”, trong một lá thư gửi Bộ trưởng Karemeus.