Nâng cao ý thức tham gia giao thông nhờ “siết” quy định nồng độ cồn
Quy định “Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" bắt đầu được dư luận đặc biệt quan tâm kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào ngày 14/6/2019. Để tạo hành lang pháp lý thống nhất với quy định này, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định này, hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở vẫn bị xử phạt. Mức phạt đối với người điều khiển ô tô là từ 6-8 triệu đồng, xe máy từ 2-3 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 10-12 tháng.
Trên thực tế, những năm gần đây, việc quy định “cấm tuyệt đối” vi phạm nồng độ cồn đã đem lại hiệu quả thiết thực khi tình hình tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến nồng độ cồn trên cả nước được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, trong 9 tháng năm 2024, lực lượng CSGT đã xử phạt 129.845 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, tăng 1.244 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023, qua đó góp phần kéo giảm số vụ TNGT trên địa bàn (-7%), giảm số ca tử vong (-33%).
“Lực lượng CSGT thực hiện quyết liệt chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, quyết tâm hình thành thói quen văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Từ đó, ý thức của người dân thành phố đã được cải thiện rõ rệt qua việc sau khi uống rượu, bia tại các địa điểm, hàng quán, người dân chủ động di chuyển bằng xe taxi, xe công nghệ để về nhà”, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM nói.
Cân nhắc giảm mức xử phạt với vi phạm mức 1
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2025, Quốc hội thống nhất giữ nguyên quy định “cấm tuyệt đối” nồng độ cồn để đảm bảo thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trong quá trình soạn thảo Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân, Bộ Công an cũng đã tính đến phương án giảm bớt mức phạt đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức độ tối thiểu.
Cụ thể, tại điểm u khoản 3, Điều 7 và điểm p khoản 3, Điều 8 Dự thảo lần 2 Nghị định công bố hồi tháng 8, Cục CSGT (C08) - Bộ Công an (đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo) đề xuất với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ giảm mức phạt từ 6-8 triệu đồng đối với ô tô xuống còn 800.000 - 1.000.000 đồng; đối với xe máy giảm từ 2-3 triệu đồng xuống còn 400.000-600.000 đồng. Đối với vi phạm nồng độ mức 2 và mức 3, có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức xử phạt hành chính như trong Nghị định 100 trước đây.
Tuy nhiên, tại Dự thảo lần 3 và lần 4, Bộ Công an đã rút đề xuất giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu. Theo đó, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức xử phạt đối với 3 mức độ vi phạm nồng độ cồn đã được quy định tại Nghị định 100. Điểm mới đáng chú ý là thay thế quy định hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn bằng quy định trừ điểm GPLX.
Điều này cho thấy, sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ Công an vẫn giữ nguyên quy định “cứng” để tiếp tục ngăn chặn hiệu quả tình trạng lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia. Lý do cho quyết định này, theo đại diện Cục CSGT, là tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học. Trước đó, tại các cuộc hội thảo và trả lời báo giới, đại diện Bộ Công an từng chia sẻ rằng việc giảm mức xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu có thể cân nhắc triển khai khi ý thức chấp hành của người tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt và cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể.
Trên thế giới, quy định “nồng độ cồn bằng 0” đang được áp dụng tại một số ít quốc gia, tập trung tại khu vực Trung Đông, một số quốc gia tại khu vực Bắc Phi và Nam Mỹ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2018, chỉ có 20 quốc gia quy định BAC (nồng độ cồn trong máu) bằng 0, tức là cứ có cồn trong máu khi tham gia giao thông là xử phạt. Ngưỡng BAC tối thiểu trung bình là 0,05%, tương đương mức 50 mg/100 ml máu theo quy định trước đây tại Việt Nam.
Để có đủ căn cứ xác định khả năng tập trung của tài xế, ngoài việc sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn, lực lượng chức năng còn áp dụng các bài test thực tế. Ví dụ, tại Mỹ, cảnh sát sẽ thực hiện bài kiểm tra 3 phần đối với người tham gia giao thông có nghi vấn sử dụng bia, rượu, bao gồm: đảo mắt theo chuyển động của vật thể, đi theo đường thẳng và quay đầu, đứng thăng bằng một chân và đếm số. Những biểu hiện bất thường của tài xế sẽ được cảnh sát ghi nhận và xác định mức độ vi phạm. Bằng phương pháp này, trong trường hợp máy đo BAC ở dưới mức 0,08% nhưng tài xế vẫn đảm bảo tỉnh táo thì không bị xử phạt, ngược lại sẽ bị xử phạt theo quy định. Phương pháp này cũng giúp loại trừ một số tình huống hi hữu, ví dụ tài xế sử dụng rượu, bia từ tối hôm trước, hoặc trường hợp có tỷ lệ cồn nội sinh.
Trừ điểm GPLX giúp tháo gỡ những bất cập trong thi hành luật
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định lần này là quy định trừ điểm GPLX, thay thế quy định tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn. Trước đây, với lỗi vi phạm nồng độ cồn, dù ở mức 1 (mức thấp nhất), người điều khiển phương tiện ngoài bị xử phạt hành chính còn bị tước quyền sử dụng GPLX (giao nộp GPLX cho lực lượng CSGT) trong thời hạn từ 10-12 tháng. Trong tình huống người đó chỉ uống 1 chén rượu, hoặc uống rượu, bia từ hôm trước, sáng hôm sau đi làm nhưng vẫn còn nồng độ cồn và bị tước GPLX thì hơi nặng. Đặc biệt, đối với các tài xế kinh doanh dịch vụ vận tải, việc tước quyền sử dụng GPLX có thể khiến thu nhập bị giảm sút và gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, đơn vị chủ quản.
Theo Cục CSGT, trung bình mỗi năm, cơ quan chức năng đã thực hiện tước quyền sử dụng GPLX hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm. Trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường, lực lượng chức năng hiện đang phải lập ít nhất từ 2 - 3 biên bản cho mỗi trường hợp vi phạm, gồm biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ GPLX, biên bản tạm giữ xe (trong trường hợp phải tạm giữ phương tiện). Việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX sẽ góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính cho lực lượng chức năng và người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, hiện có không ít trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX, sau đó người vi phạm bỏ luôn GPLX không đến nhận, gây tồn đọng hồ sơ giấy tờ tại cơ quan chức năng.
Do đó, việc áp dụng quy định trừ điểm GPLX là một chính sách pháp luật nhân văn, giúp giảm tải thủ tục giấy tờ, thời gian cho lực lượng thực thi nhiệm vụ; đồng thời, tài xế có cơ hội sửa sai đối với những vi phạm không nghiêm trọng. Ví dụ, với hành vi vi phạm nồng độ cồn, Dự thảo lần 2 Nghị định quy định mức 1 bị trừ 2 điểm, mức 2 bị trừ 10 điểm, mức 3 bị trừ 12 điểm. Trong đó, trường hợp bị xử phạt mức 1, mức 2, không gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, tài xế còn điểm trong GPLX tiếp tục được điều khiển phương tiện và được phục hồi đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, mới đây, Ban soạn thảo tiếp tục gia tăng mức xử phạt trừ điểm đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 1. Cụ thể, tại Dự thảo lần 3, hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị trừ 3 điểm. Tại Dự thảo lần 4, hành vi này sẽ bị trừ 6 điểm.
Việc tăng mức trừ điểm GPLX lên gấp 3 lần trong Dự thảo mới nhất khiến không ít người băn khoăn và đặt dấu hỏi rằng mức phạt này có quá nặng hay không? Ví dụ, trường hợp uống rượu, bia từ tối hôm trước, sáng hôm sau kiểm tra vẫn còn nồng độ cồn (mức 1) nghiễm nhiên bị trừ 6 điểm. Như vậy, chỉ cần 2 lần “nhỡ nhàng”, dù tài xế lái xe đúng luật, an toàn, không để xảy ra TNGT vẫn sẽ bị tước quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Một số ý kiến khác cho rằng cần tập trung nhiều hơn vào việc tăng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi mang tính chất cố ý, tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT, đặc biệt với những trường hợp đã gây ra hậu quả, thiệt hại, bất kể là vi phạm về nồng độ cồn hay không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, hiệu lệnh của đèn giao thông, không tuân thủ biển báo và vạch kẻ đường...
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều ý kiến đồng thuận và trái chiều liên quan đến quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu (mức 1). Tại cuộc họp trực tuyến ngày 6/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung mới, bao quát, liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, phương thức giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông… Vì vậy, trong quá trình xây dựng các Nghị định còn nhiều ý kiến khác nhau, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đáp ứng tốt nhất cho công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, tăng cường tính minh bạch, công bằng cho người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Một số ý kiến mong đợi sau khi “chốt” nội dung quy định và ban hành Nghị định mới, cần có những đánh giá hiệu quả định kỳ để đưa ra lộ trình điều chỉnh tương ứng khi ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt, phù hợp hơn với các quy định chung đã được đa số quốc gia trên thế giới thừa nhận và áp dụng.