“Nghe báo cáo sơ bộ thì chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng xong mà chưa thể khánh thành ngay được vì chưa tuyển đủ nhân lực vận hành”.
Phát biểu trên của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp chiều 14/9 của Chính phủ về việc xây dựng Đề án phát triển du lịch đã khiến không ít đại diện các bộ ngành “giật mình” khi mà Chính phủ chủ trương phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, và đề án đưa ngành du lịch Việt Nam lên một nấc thang mới đang được gấp rút hoàn tất để trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Phải xóa được 7 nỗi sợ của du khách
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khi đề án được hoàn thiện và thực hiện thì phải giải quyết được các bất cập hiện nay nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực (visa), tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa; đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch (về đất đai, thuế, giá điện, giá nước…); nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa - du lịch.
Đặc biệt, ngành du lịch phải xóa bỏ được 7 nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam, bao gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, đề án phải đặt ra kế hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Việt Nam, kể cả nguồn nhân lực quản lý du lịch từ cấp cao đến cấp thấp “đều thiếu và yếu”.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đề án phát triển du lịch chưa thể hiện rõ được các nguồn lực về thể chế, chính sách, tài chính, các giá trị văn hóa tinh thần để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực tiễn hiện nay, phí, giá dịch vụ du lịch vẫn rất thấp, cào bằng, không đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, nâng cao giá trị của di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như sự phát triển của ngành du lịch.
Đơn giá điện phục vụ cho du lịch thì cao hơn đơn giá điện phục vụ sản xuất. Chưa có ưu đãi thuế đất đối với các công trình lưu trú trong các khu vực hạn chế xây dựng (như cố đô Huế) hay các công trình lưu trú có sử dụng nhiều diện tích trồng nhiều cây xanh, sinh thái…
Du lịch yếu kém là do con người
Đặc biệt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo nhận thức rõ sự yếu kém của ngành du lịch Việt Nam chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể là chưa có thể chế tốt về quản lý và phát triển du lịch theo sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường. Làm rõ được thể chế, chính sách cho ngành du lịch phát triển được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ coi là điểm đột phá mà đề án phải đạt được.
“Phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy phát triển du lịch là tiên quyết. Phải hành xử với du lịch như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật phổ quát của nền kinh tế thị trường, có thể chế, chính sách vượt trội thì mới thành mũi nhọn. Nếu các bộ, ngành nói chính sách vướng cho quản lý thì sẽ tắc”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được yêu cầu tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016- 2020 có tầm nhìn tới năm 2030 dựa trên 3 trọng điểm là: hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội, bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch tương ứng với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Cơ quan soạn thảo phải thể hiện rõ chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, có kế hoạch phát triển nguồn lực du lịch cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, tỉnh, thành phố nào có thế mạnh về du lịch sẽ thành lập Sở Du lịch trên cơ sở không tăng biên chế và chịu sự quản lý, giám sát của một Phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực kinh tế.
“Bộ chủ quản cần xác định kế hoạch phát triển ngành du lịch dài hơi hơn thay vì chỉ tính toán tới năm 2020 và nhấn mạnh việc Bộ Chính trị sẽ thảo luận và xem xét thông qua đề án là cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy ngành du lịch có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó thủ thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate