June 23, 2021 | 15:30 GMT+7

Chỉ số quá... “méo”

Kim Phong -

Rất ít cổ phiếu tăng ngược thị trường phiên hôm nay và đa số nhà đầu tư phải nếm vị thua lỗ dù VN-Index giảm rất ít, thậm chí VN30-Index còn tăng điểm. Nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như tăng đều nhất...

Diễn biến chỉ số VN-Index chiều nay biến động rất ít.
Diễn biến chỉ số VN-Index chiều nay biến động rất ít.

Rất ít cổ phiếu tăng ngược thị trường phiên hôm nay và đa số nhà đầu tư phải nếm vị thua lỗ dù VN-Index giảm rất ít, thậm chí VN30-Index còn tăng điểm. Nhóm cổ phiếu chứng khoán dường như tăng đều nhất.

VN-Index kết thúc phiên giao dịch kỳ lạ hôm nay chỉ để mất 3,1 điểm, tương đương giảm 0,22% so với tham chiếu. VN30-Index vẫn tăng 0,29 điểm. Mức giảm này không phản ánh đúng diễn biến thị trường.

Rất nhiều cổ phiếu giảm giá, thậm chí là giảm mạnh. Nhà đầu tư phải trải qua cảm giác “cay đắng” khi nắm giữ phải các mã giảm. Thực ra rất ít nhà đầu tư nắm giữ đúng cổ phiếu, vì tỷ lệ mã tăng quá ít. Toàn sàn HoSE chỉ có 94 cổ phiếu tăng giá nhưng tới 298 cổ phiếu giảm giá.

Gần 180 mã trên sàn này kết phiên với mức sụt giảm trên 1%. Đây là một thực tế khó chấp nhận khi các chỉ số tiếp tục được nâng đỡ bằng một vài mã vốn hóa lớn.

Cổ phiếu ngân hàng hỗ trợ rất nhiều cho các chỉ số: VCB tăng 1,95%, VPB tăng 4,55%, CTG tăng 1,54%, BID tăng 0,89% là các cổ phiếu nổi bật. Vài mã ngân hàng khác cũng tăng nhẹ như TCB, TPB, ACB, KLB, số còn lại giảm là EIB, HDB, LPB, MBB, SHB, STB VIB...

Như vậy bản thân nhóm cổ phiếu lớn nhất thị trường cũng đang phân hóa khá nhiều. Dĩ nhiên các blue-chips lớn của nhóm tăng mạnh có tác dụng tốt hơn các mã còn lại. Trong số tăng, duy nhất VCB đã vượt được đỉnh lịch sử. VPB tăng cực mạnh hôm nay nhưng mới là phiên bật lại đầu tiên sau khi điều chỉnh từ đầu tháng 6 và hiện vẫn thấp hơn đỉnh gần 4,2%.

Nhóm cổ phiếu tăng đáng chú ý hơn ngân hàng các cổ phiếu chứng khoán. Nhóm này cũng có vài mã giảm, nhưng đa số là tăng. Những cổ phiếu tăng giá nổi bật là SSI tăng 0,81%, HCM tăng 3,6%, SHS tăng 1,21%, MBS tăng 1,39%, BVS tăng 1,4%, CTS tăng 1,36%, VND tăng 1,9%. Các mã nhỏ hơn như WSS, VIG, VDS, TCI, SBS, HBS, HAC, EVS, APS, AGR cũng tăng khá tốt.

Tuy vậy cũng giống cổ phiếu ngân hàng, rất hiếm cổ phiếu chứng khoán đang ở đỉnh cao lịch sử mới. Duy nhất HCM xác lập đỉnh mới trong phiên này trong khi các mã còn lại chỉ là phục hồi bên sườn giảm, sau khi đã đạt đỉnh đầu tháng. Những mã như FTS thậm chí không phục hồi được vì đã tăng quá nóng trước đó.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán xanh khá nhiều.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán xanh khá nhiều.

Mặc dù vẫn còn hơn 90 cổ phiếu tăng giá trên sàn HoSE hôm nay nhưng rất khó để phân theo nhóm ngành. Đa số các mã tăng ngược dòng là được đầu cơ riêng rẽ, tùy thuộc vào khả năng của dòng tiền nóng. Thậm chí một số tăng kịch trần như VOS, TGG, TNT, LGL, FIT, DAH với thanh khoản khá cao. Nhóm còn lại như ANV, KMR, DPG, VTO, DRC tăng được hơn 3%.

Chỉ số Midcap đóng cửa giảm 1,18% với 18 mã tăng/49 mã giảm. Smallcap giảm 1,13% với 28 mã tăng/107 mã giảm. Độ rộng nghiêng mạnh về phía giảm giá cho thấy mã nào đi ngược dòng đều là do hoạt động đầu cơ cá biệt, không theo nhóm ngành cũng như không theo nhóm vốn hóa.

Dòng tiền vào thị trường chiều nay cũng rất kém, hai sàn chỉ khớp thêm 7.253 tỷ đồng, giảm 20% so với chiều hôm qua và là mức thấp kỷ lục từ giữa tháng 4/2021 nếu không tính phiên chiều dừng giao dịch của HoSE hôm 1/6. Ngay rổ VN30 chiều nay cũng chỉ giao dịch khoảng 3.177 tỷ đồng, một mức cự kỳ thấp.

Ngay cả các cổ phiếu ngân hàng, những mã thường xuyên có thanh khoản rất lớn, chiều nay giao dịch cũng quá nhỏ. VPB thậm chí khớp riêng buổi chiều chỉ hơn 389 tỷ đồng giá trị, CTG khoảng 244 tỷ, TCB chưa tới 169 tỷ, VCB thậm chí có 69 tỷ đồng... Dòng tiền không chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng nhưng giá không giảm hoàn toàn nhờ người bán không xả nhiều cổ phiếu ra.

Điểm tích cực nhỏ là nhà đầu tư nước ngoài buổi chiều tăng mua, mức ròng trên sàn HoSE là 164,4 tỷ đồng, trong khi cuối phiên sáng bán ròng nhẹ 25 tỷ đồng. VHM được mua khá nhiều, đạt 108,4 tỷ đồng ròng. VCB, STB, DXG, GAS là các mã duy nhất còn lại được mua ròng từ 20 tỷ đồng trở lên. Phía bán vẫn là VPB, VRE, VCI, SSI.

Thị trường đang rơi vào trạng thái méo mó và nhìn từ góc độ rủi ro thì chỉ có nắm giữ cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là đỡ lỗ nhất. Tuy nhiên dòng tiền cũng không thể hiện sự chú ý của nhà đầu tư: Thanh khoản các mã này vẫn đang giảm dần.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate