Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn trong hướng dẫn việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội vừa ban hành.
Theo đó, đối với địa phương đang thực hiện chi trả trực tiếp cho đối tượng (chưa thông qua tổ chức dịch vụ chi trả), Bộ đề nghị cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương lập danh sách các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản, thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc Nhà nước và tài khoản thanh toán của đơn vị tại các ngân hàng thương mại.
Với các đối tượng hưởng chính sách chưa có tài khoản, trước mắt thực hiện chi trả như hiện nay, đồng thời tuyên truyền, vận động để đối tượng hưởng chính sách mở tài khoản tại ngân hàng thương mại.
Đối với các địa phương thực hiện chi trả đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện như sau:
Các địa phương đã có 100% đối tượng có tài khoản: Thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc Nhà nước và tài khoản thanh toán của đơn vị tại các ngân hàng thương mại theo quy định, hoặc yêu cầu tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả cho đối tượng qua tài khoản.
Các địa phương chưa có đủ 100% đối tượng có tài khoản có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án.
Phương án 1: Yêu cầu tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng đã có tài khoản. Đối với các đối tượng chưa có tài khoản trước mắt thực hiện chi trả qua tài khoản của cá nhân được uỷ quyền, đồng thời vận động để đối tượng mở tài khoản các ngân hàng thương mại.
Phương án 2: Thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thông qua Kho bạc Nhà nước và tài khoản thanh toán của đơn vị tại các ngân hàng thương mại. Đối với các đối tượng chưa có tài khoản, trước mắt thực hiện chi trả qua tài khoản của cá nhân được uỷ quyền, đồng thời vận động để đối tượng mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lí đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng an sinh xã hội. Việc lựa chọn các đơn vị, tổ chức dịch vụ chi trả do các địa phương lựa chọn theo quy định hiện hành.
Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tiếp tục quan tâm, chăm sóc đến người có công, đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn, không để việc chi trả không dùng tiền mặt ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhóm đối tượng này.
Trước đó, tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ của Đề án 06.
Đồng thời, Bộ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022…
Trước đó, tại cuộc họp bàn về các nội dung liên quan tới việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội hồi tháng 8, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng để đạt được mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt, cần phải tìm được giải pháp hợp lý giúp các đối tượng có thể nhận được tiền mặt khi tiền về tài khoản, vì phần lớn các đối tượng được hưởng trợ cấp là những người yếu thế và phân bố đông ở vùng miền núi, không có nhiều các cây ATM.