December 30, 2024 | 18:37 GMT+7

Chìa khóa giải quyết thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiến trình hội nhập quốc tế

Phương Nhi -

Cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong quá trình vươn ra thị trường quốc tế đang ngày càng rộng mở, tuy nhiên, để nắm bắt và phát huy tối đa cơ hội và vượt qua thách thức, sự đồng hành chặt chẽ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng...

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” vào ngày 30/12. Ảnh: Việt Dũng.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” vào ngày 30/12. Ảnh: Việt Dũng.

Dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia tại hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế”, tổ chức bởi Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao vào ngày 30/12, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi mở rộng ra thị trường quốc tế.

Những vấn đề này đòi hỏi vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, nhằm cung cấp sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

CƠ HỘI DỒI DÀO NHƯNG NHIỀU HẠN CHẾ VẪN TỒN ĐỌNG

Mặc dù chịu tác động từ suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Trong 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 369,93 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 345,62 tỷ USD.

Không những thế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là các FTAs thế hệ mới. Những hiệp định này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế mà còn thúc đẩy họ nâng cấp năng lực sản xuất, hoàn thiện quy trình kinh doanh và thích ứng với các tiêu chuẩn khắt khe toàn cầu. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã thành công tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và gia tăng giá trị xuất khẩu.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có 6 yếu tố tích cực mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được hưởng lợi từ tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bao gồm: lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs); sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và công nghệ; thương mại điện tử xuyên biên giới; khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú trong nước; nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng đối với sản phẩm truyền thống Việt Nam; và sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ.

“Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế”, ông Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội rộng mở, ông Nam cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn phải đối mặt với 10 hạn chế trong tiến trình hội nhập và nâng cao năng lực quốc tế của mình như: nguồn lực tài chính còn hạn chế; thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế; chậm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất; khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường và giấy phép quốc tế; thiếu đội ngũ pháp chế chuyên nghiệp; hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; quy trình xuất nhập khẩu còn phức tạp; gặp rào cản từ các biện pháp phi thuế quan; thiếu sự kết nối và hỗ trợ từ cơ quan chức năng; và rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu.

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Đồng thời, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cũng chia sẻ góc nhìn tương đồng khi chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa của Việt Nam đang phải đối mặt. Theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm vững các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thiếu hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán và văn hóa tiêu dùng tại các thị trường quốc tế. Chính những hạn chế này khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro trong quá trình xâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài.

“Các doanh nghiệp nhỏ hầu như không có đủ nguồn lực để nghiên cứu và khai thác thị trường như các doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, họ dễ rơi vào tình trạng không nắm bắt và hiểu rõ thị trường, từ đó phát sinh nhiều rủi ro trong hoạt động xuất khẩu”, ông Long chia sẻ.

Không những thế, khả năng kết nối với khách hàng quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng còn rất hạn chế. Một ví dụ điển hình là ngành chè Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, với sản lượng đạt 40.000-50.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chè Việt Nam vẫn chủ yếu giao dịch thông qua thương lái trung gian thay vì trực tiếp kết nối và làm việc với các nhà nhập khẩu chè tại Pakistan.

“Việc trực tiếp tiếp cận và đàm phán với các đối tác nhập khẩu chè của Pakistan là điều vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Họ không có đủ nguồn lực và mối quan hệ để xây dựng kênh kết nối trực tiếp với khách hàng quốc tế”, ông Long dẫn chứng.

NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI TRONG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Qua những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải đối mặt trong quá trình phát triển và mở rộng sang thị trường quốc tế,  sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong nước được xem là chìa khóa để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các chuyên gia cũng đã đề xuất một số kiến nghị đối với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các quốc gia nước ngoài. 

Trong đó, ông Nam đã đưa ra một số kiến nghị thiết yếu cho các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cần đẩy mạnh các hoạt động cụ thể như: cần cải thiện hệ thống thông tin tư vấn; cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu; thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ thương thảo hợp đồng và giải quyết các xung đột; ứng dụng công nghệ trong các hoạt động hỗ trợ gắn kết chặt chẽ với các nghiên cứu phát triển thị trường; tăng cường hỗ trợ nguồn tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chức năng.

Bà Lý Thị Ngân, Chánh Văn phòng, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
Bà Lý Thị Ngân, Chánh Văn phòng, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

“Đặc biệt, nếu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, đặc biệt là cải thiện hệ thống thông tin tư vấn, hỗ trợ thương thảo hợp đồng và tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chức năng, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2025-2030 có thể nhanh gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2014-2024”, ông Nam nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Long cũng đề xuất các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động xuất khẩu của họ như: tạo các kênh thông tin kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá sản phẩm; kết nối mặt hàng, tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu của nước bạn và cung cấp thông tin doanh nghiệp trong nước tạo điều kiện kết nối, nắm bắt sâu các quy định của thị trường và hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách tốt nhất và giảm thiểu được tối đa rủi ro gặp phải. 

“Tôi hy vọng trong thời gian tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội trong nước để hỗ trợ tốt hơn các doanh nghiệp khai thác thị trường 1 cách hiệu quả”, ông Long bày tỏ.

Tương tự, bà Lý Thị Ngân, Chánh Văn phòng, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, chia sẻ việc cập nhật thông tin tại thị trường quốc tế được xem là tài sản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của những doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực nhôm và cho cả các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác. 

“Qua đó, chúng tôi mong rằng sẽ có được những thông tin về chính sách như chống bán phá giá kịp thời từ các cơ quan Việt Nam tại nước ngoài để giúp cho các doanh nghiệp cho các ngành hàng trong nước nắm bắt được tình hình tốt nhất”, bà Ngân bày tỏ.

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ góc nhìn về những vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Việt Dũng.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ góc nhìn về những vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Việt Dũng.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty Global Food, bày tỏ mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng được những kênh kết nối thông tin hiệu quả hoặc thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu để điều phối, chắt lọc thông tin một cách chính xác và có giá trị. Từ đó, tạo nên một hệ thống thông tin hoàn chỉnh, dễ tiếp cận và luôn được cập nhật, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu, sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà còn là câu chuyện về năng lực cạnh tranh quốc gia. Tôi hy vọng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ có những hỗ trợ đúng trọng tâm, minh bạch và thiết thực, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi nâng cao giá trị sản phẩm và đạt được hiệu quả cao nhất”, ông Hưng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Anh, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam, cũng kỳ vọng các cơ quan đại diện Việt Nam sẽ xây dựng được bộ giải pháp toàn diện, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về mô hình kinh doanh tiên tiến.

“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sắp tới, khi Việt Nam tham gia vào những thị trường lớn với tiêu chuẩn khắt khe, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển bền vững mà còn trở thành niềm tự hào của đất nước trên trường quốc tế”, ông Minh Anh nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate