Trong bối cảnh hiện nay, thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.
Trên cơ sở đồng thuận về vấn đề chung đó, tại hội thảo với chủ đề “Chiếm lĩnh thị trường nội địa” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 11/3 tại Tp.HCM, lãnh đạo Bộ Công Thương, các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân đã “mổ xẻ” nhiều vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp trong chiến lược thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nội địa.
“Biên giới mềm”
Chủ trì hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, dẫn dắt vấn đề từ lời chia sẻ gan ruột: “Tôi đã từng thất bại trong việc xây dựng hệ thống phân phối trong nước”.
“Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đổ bộ vào thị trường nước ta để chiếm lĩnh thì chúng ta lại chưa quan tâm đến thị trường nội địa”, ông nói. Nhận định này được ông đưa ra sau khi dẫn con số hai tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ và dịch vụ vẫn tăng 20,6%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế.
“Điều đó chứng tỏ tiềm năng to lớn của thị trường nội địa. Khi thương mại trên thị trường trong nước tạo ra giá trị trên 15% GDP và thu hút khoảng 5,4 triệu lao động chiếm hơn 10% tổng lao động toàn xã hội” ông Tuyển nói.
Cũng theo phân tích của “ông WTO” thì tăng cường hoạt động của doanh nghiệp nước ta, tổ chức tiêu thụ mạnh hàng của ta trên thị trường nội địa cũng chính là để bảo vệ “biên giới mềm” của đất nước. Bởi trong bối cảnh quốc tế mới, các nước lớn đều muốn phát huy ảnh hưởng của họ đối với các nước khác theo học thuyết “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm”. Một trong các yếu tố của “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm” là xâm nhập bằng hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường bằng doanh nghiệp và hàng hóa.
Nhưng việc tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường của hàng hóa nước ta trên thị trường nội địa không chỉ dựa vào khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước (dù là rất quan trọng ) mà còn phải thông qua hoạt động tổ chức thị trường, thiết lập hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong nước, “ông WTO” chia sẻ.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Công ty Cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, các quốc gia mở rộng lãnh thổ của mình bằng việc mở rộng biên giới lợi ích: xâm chiếm bằng hàng hóa và văn hóa; đẩy những phân khúc tạo giá trị thấp và ô nhiễm sang các quốc gia kém phát triển...
Bởi vậy, theo ông chủ của thương hiệu Trung Nguyên nổi tiếng, “văn hóa” ưu tiên ủng hộ tiêu dùng nội địa là điều căn bản cho việc xác lập và phát triển sức cạnh tranh của một nền kinh tế, một quốc gia.
Thương mại không chỉ là mua sắm
Mang đến hội thảo kết quả nghiên cứu của “cuộc cách mạng bán lẻ Việt Nam năm 2008”, vị giám đốc điều hành TNS Vietnam, ông Ralf Matthaes, đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm khách mời bằng những con số đi kèm những phân tích ấn tượng.
Theo nghiên cứu của TNS, hiện Việt Nam đang có dân số trẻ thứ hai châu Á, lực lượng lao động nữ đông thứ ba châu Á, người tiêu dùng nữ có tiền và chiếm ưu thế.
Vị giám đốc này cũng dự báo: thương mại hiện đại là kênh tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam và sẽ thay đổi, không chỉ thói quen mua sắm, mà còn tất cả các yếu tố của xã hội. Thương mại hiện đại không chỉ đơn thuần là mua sắm mà bao gồm cả các dịch vụ giải trí đi kèm.
Với thông tin nông sản tươi vẫn chiếm ưu thế trong tất cả các mặt hàng mua sắm (trên 60%) và chi tiêu thương mại hiện đại đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, ông Ralf Matthaes cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên “trộn lẫn” hai yếu tố truyền thống và hiện đại trong thương mại để thu hút khách hàng, làm sao để mua bán cũng đồng nghĩa với thưởng thức cuộc sống.
Cũng từ kết quả một cuộc điều tra thị trường nội địa trong năm 2008, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng với thực phẩm tươi sống thì chợ truyền thống có vai trò quan trọng nhất, còn thực phẩm chế biến thì siêu thị áp đảo. Và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là vấn đề người tiêu dùng đánh giá cao hơn những yếu tố khác.
Con đường của doanh nghiệp
"Trong cuộc cạnh tranh không cân sức này, các doanh nghiệp trong nước có hai lợi thế cần phát huy. Thứ nhất là khả năng hấp thụ và làm chủ nhanh chóng các công nghệ hàng đầu thế giới (sản xuất, quản lý, thông tin,…) điều mà trước đây với chúng ta là khó khăn. Đây là yếu tố căn bản. Thứ hai là tinh thần quốc gia, văn hóa tiêu dùng tự chủ. Đây là yếu tố quyết định", Công ty Cà phê Trung Nguyên chia sẻ những điều đã nung nấu trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
Và để làm nên yếu tố quyết định này, các diễn giả tại hội thảo bày tỏ sự kỳ vọng vào các cơ quan báo chí.
Định hướng và hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng là nội dung được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy không có đủ thời gian để giải đáp hết những vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên và Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền cũng đã “gieo” hy vọng vào con đường chiếm lĩnh thị trường nội địa được cảnh báo đầy rẫy chông gai của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên “tiết lộ”: mấy năm nay, người ở nông thôn đổ xô về thành thị rất nhiều vì họ cứ nghĩ về thành phố mới mua được hàng tốt. Điều này cho thấy quản lý Nhà nước về thương mại nội địa lâu nay bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp đang “bí” ở cả hai thị trường xuất khẩu và nội địa.
Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan: nếu tổ chức tốt các doanh nghiệp sẽ vượt khó khăn, có thị trường phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Khẳng định Nhà nước không thể làm thay mà chỉ nâng đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, song ông Võ Văn Quyền cũng cho biết hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương chuẩn bị đề án kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng và khai thác thị trường nội địa.
Thông qua đề án này, các doanh nghiệp có cơ hội của mình liên thông với nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ông Quyền nói đề án hiện đang được chỉnh sửa và cố gắng sẽ hoàn thiện ngay trong tuần này.
“Trước mắt các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, song hy vọng sự thống nhất nhận thức các doanh nghiệp sẽ mạnh hơn, hướng nhiều hơn vào thị trường nội địa. Và hội thảo sẽ chỉ thực sự thành công khi nhận thức được biến thành hành động cụ thể của các doanh nghiệp trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa”, ông WTO” Trương Đình Tuyển “gói lại” nội dung của cuộc hội thảo.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate