March 13, 2023 | 16:32 GMT+7

Chiến lược ESG là lợi thế giúp doanh nghiệp gọi vốn, thu hút đầu tư

Bảo Bình -

Nhiều nhà đầu tư hiện nay cho biết thay vì các chỉ số tài chính truyền thống, các nhà đầu tư sẽ ngày càng coi trọng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá tiêu chí ESG...

Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được giá trị của việc ứng dụng các chương trình ESG. Nguồn: PWC 2022
Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được giá trị của việc ứng dụng các chương trình ESG. Nguồn: PWC 2022

ESG là những tiêu chí về môi trường (Environment), xã hội (Social) và quản trị doanh nghiệp (Governance). Những chỉ số này được tạo ra nhằm hướng các tổ chức và doanh nghiệp vượt ra ngoài phạm vi mục tiêu lợi nhuận, tham gia vào chương trình rộng lớn hơn về khí hậu, xã hội và quản trị. 

CÁC YẾU TỐ ESG ĐƯỢC CÂN NHẮC TRONG QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ, RÓT VỐN CHO DOANH NGHIỆP

Trong báo cáo về chuyển đổi số - DxReports, phát hành trong tháng 2/2023 vừa qua, về “ESG và Chuyển đổi số: Hướng đi tiên quyết trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp”, FPT Digital nhận định các nhà đầu tư hiện nay coi trọng việc kết hợp các giá trị xã hội, môi trường với lợi nhuận doanh nghiệp vào việc lựa chọn đầu tư thay vì chỉ xem xét khả năng sinh lời hoặc rủi ro do cơ hội đầu tư mang lại. 

Điều này cũng dễ hiểu khi người tiêu dùng hiện nay, nhất là giới trẻ, đã có trách nhiệm với môi trường sống hơn rất nhiều so với trước đây. Vì thế, những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, năng lượng sạch sẽ có thêm lợi thế gọi vốn thành công. Các giá trị tài sản vô hình như những chiến lược phát triển bền vững và thương hiệu của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong định giá doanh nghiệp.

Cũng trong chương trình DxTalks, chuỗi tọa đàm về chuyển đổi số do FPT Digital thực hiện đầu năm 2023, với chủ đề "Chuyển đổi số và phát triển bền vững", ông Mitsuhiro Henry Umebayashi, Giám đốc hợp danh của công ty tư vấn Arthur D. Little (AdL) cho biết các doanh nghiệp hiện nay cần nhanh chóng thay đổi theo hướng phát triển bền vững, cụ thể là các tiêu chuẩn ESG, bởi những lý do chính sau đây.

Theo ông, đầu tiên là do áp lực đến từ dư luận xã hội. Theo đó, danh tiếng, hình ảnh các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu không cải thiện chỉ số ESG. Thứ hai, việc không cải thiện chỉ số ESG sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư hiện nay đang xem xét đưa các yếu tố liên quan đến ESG vào quyết định đầu tư, rót vốn cho doanh nghiệp. Vì thế, những doanh nghiệp chủ động phát triển các chiến lược ESG sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn so với các doanh nghiệp khác. ESG dần trở thành tiêu chí quyết định khả năng thành công khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Trong năm 2020, 51 tỷ USD đã được đầu tư vào các quỹ tác động đến ESG, tăng hơn gấp đôi các khoản đầu tư khác trong vòng một năm. 

Mặt khác, trong thực tế thì châu Âu và Hoa Kỳ đã thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp từ nhiều năm trước, không chỉ để đạt được sự phát triển bền vững mà còn để duy trì lợi thế cạnh tranh của các công ty. “Châu Âu đã đặt ra nhiều quy tắc liên quan đến sự phát triển bền vững. Những quy tắc này thường có nhiều yêu cầu khác nhau mà các công ty ngoài châu Âu gặp khó khăn khi tuân thủ. Điều đó đã giúp các công ty châu Âu có lợi thế hơn trong nhiều lĩnh vực và bảo vệ vị thế của họ, ít nhất là trong thị trường nội địa”, ông Mitsuhiro Henry Umebayashi nói.

Các nước Châu Âu và Hoa Kỳ đã tận dụng chiến lược phát triển bền vững, biến đó trở thành lợi thế cạnh tranh, và đi cùng với đó là các quy tắc, tiêu chuẩn bắt buộc khiến tính bền vững trở thành yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi công ty mong muốn giao dịch, mở rộng kinh doanh với phương Tây. Bởi vậy, những áp lực từ dư luận xã hội, khả năng tiếp cận vốn và các quy định tiêu chuẩn quốc tế, nhất là với thị trường Âu - Mỹ, là những lí do chính khiến các công ty cần thay đổi và lồng ghép yếu tố bền vững vào kinh doanh và phát triển.

SỬ DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NHƯ MỘT “ĐÒN BẨY” ĐỂ THỰC THI CÁC SÁNG KIẾN ESG

Với hàng loạt yêu cầu cấp thiết cần tích hợp mục tiêu ESG vào chiến lược phát triển, trong DxTalks, các chuyên gia cũng đưa ra một số gợi ý tới doanh nghiệp cho quá trình đồng bộ đó. Trong đó, công cuộc chuyển đổi số sẽ được coi là phương thức để hiện thực hóa những mục tiêu này. Công nghệ số được sử dụng ở nhiều thành phố đã giúp quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, hay khi doanh nghiệp ứng dụng thì sẽ tiết kiệm nhiên liệu, tạo môi trường làm việc xanh và tối ưu các nguồn lực. 

Ông Phạm Hồ Chung (ngoài cùng bên phải) trong chương trình DxTalks về chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Ông Phạm Hồ Chung (ngoài cùng bên phải) trong chương trình DxTalks về chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, theo ông Phạm Hồ Chung, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital, khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần lồng ghép mục tiêu ESG, sử dụng chuyển đổi số như một đòn bẩy để thực thi các sáng kiến ESG. Việc số hóa và tự động hóa vận hành giúp tạo ra các hoạt động và quy trình vận hành bền vững, cải thiện khả năng phục hồi và sức chống chọi của doanh nghiệp. Qua đó thu hút được sự quan tâm của khách hàng, nhà cung cấp hay các cổ đông.

Kết hợp giữa yếu tố con người và mô hình kinh doanh bền vững trong quá trình phát triển sản phẩm và dịch vụ số để tạo ra kênh phân phối mới, với chi phí hợp lý có thể giúp giảm lượng khí thải tới 45%-70% của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới (IoT, Blockchain, Cloud) để theo dõi các tác động về mặt môi trường và xã hội xuyên suốt chuỗi giá trị có thể giúp giảm năng lượng tiêu thụ từ 5%-10%.

Khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ AI và phân tích dữ liệu nâng cao để thu thập và phân tích toàn bộ dữ liệu liên quan đến tác động mội trường, xã hội của doanh nghiệp nhằm đưa ra những cải tiến, tiếp cận phù hợp với xu hướng thị trường, có thể giúp chi phí vốn, chi phí chuỗi cung ứng và hoạt động giảm 10%-30%.

Cuối cùng, khi chia sẻ dữ liệu và hệ sinh thái, doanh nghiệp có thể tạo ra các mô hình hợp tác mới xuyên suốt các ngành, lĩnh vực, phát triển giải pháp cho các vấn đề về môi trường và xã hội, tập hợp nguồn lực, lấp đầy khoảng cách và tiếp cận thị trường mới.

Ngoài ra, khi tiến hành xây dựng lộ trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhìn nhận yếu tố bền vững là một lợi thế cạnh tranh, một cơ hội để tăng trưởng, chứ không đơn thuần chỉ là đáp ứng những tiêu chuẩn ESG theo cách đối phó, tuân thủ quy định của nhà quản lý.

Là một khu vực dễ bị tác động trước thách thức biến đổi khí hậu, cũng như xã hội phát triển với nhiều bản sắc văn hóa phong phú, điều cốt yếu là các doanh nghiệp Việt Nam và Đông Nam Á phải hợp tác với nhau để đạt được tăng trưởng bền vững. Các mục tiêu ​​bền vững đó sẽ là động lực tăng trưởng hàng đầu của Đông Nam Á và thế giới và Việt Nam có nhiều tiềm năng để vươn lên hàng đầu với chìa khóa là công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate