Các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ mua vàng và cổ phiếu công nghệ vì tin rằng những tài sản này sẽ tạo ra một sự bảo vệ trước nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay - theo các chiến lược gia của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase.
Trong một báo cáo được công bố, nhóm chiến lược gia gồm Nikolaos Panigirtzoglou và Mika Inkinen cho rằng tăng tỷ trọng nắm giữ vàng và cổ phiếu tăng trưởng chẳng hạn như cổ phiếu của các công ty công nghệ, và bán khống USD sẽ là những đặt cược được ưa chuộng trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt rủi ro suy thoái.
“Cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ đã làm gia tăng nhu cầu đối với vàng như một sự đặt cược gián tiếp vào sự giảm lãi suất, cũng như một cách để phòng ngừa ‘kịch bản kinh tế thảm hoạ’”, hãng tin Bloomberg trích báo cáo.
Theo JPMorgan, chiến lược đầu tư nói trên đã trở thành một sự đồng thuận trên thị trường trong những tháng gần đây và được xem là “tương đối hấp dẫn” vì có rủi ro thua lỗ hạn chế trong trường hợp kinh tế Mỹ chỉ suy thoái nhẹ, nhưng lại có khả năng mang lại lợi nhuận lớn trong trường hợp nền kinh tế suy thoái sâu.
Báo cáo cũng nói rằng các nhà đầu tư tổ chức đang mua mạnh vàng, nhưng nhà đầu tư cá nhân có vẻ mua Bitcoin nhiều hơn. Trên thị trường tiền tệ, giới đầu tư đang nghiêng về bán khống USD do đặt cược vào khả năng Fed sắp dừng tăng lãi suất hoặc thậm chí có thể giảm lãi suất trong năm nay.
Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng 12,3%; giá Bitcoin tăng 76,4%; trong khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm gần 2,3%.
Giá vàng đã tăng khoảng 3% trong tuần này và đang tiến tới hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 3, khi giới đầu tư tin rằng mối lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ sẽ khiến Fed phải sớm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ - động thái rất có lợi cho một tài sản không mang lãi suất như vàng.
Ngoài ra, khủng hoảng trần nợ cũng có thể gây ra những hậu quả thảm hoạ nếu không được giải quyết. Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn đang bị bán mạnh, đẩy lợi suất của các kỳ hạn này vượt lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, tạo ra chênh lệch lớn nhất trong ít nhất 3 thập kỷ. Hiện tượng này gọi là đường cong lợi suất đảo ngược, một tín hiệu cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy đến, từ đó kích thích nhu cầu phòng ngừa rủi ro.
Giá kim loại quý này đã tăng bùng nổ từ đầu tháng 3 do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng trần nợ Mỹ. Phiên ngày thứ Năm, có lúc giá vàng giao ngay phá kỷ lục thiết lập vào năm 2020.
Nguy cơ xảy ra một vụ vỡ nợ kỹ thuật của Chính phủ Mỹ “hiện đang bị đánh giá thấp” - theo chiến lược gia Christopher Louney của RBC. “Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ nhận thấy giá vàng còn tăng nữa và sẽ phân bổ vốn mạnh vào vàng”.
Trong khi đó, theo một báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã giảm mạnh lượng mua ròng vàng trong quý 1 năm nay. Dù lực mua ròng của nhóm này vẫn còn, sự suy giảm đó có thể gây áp lực lên giá vàng sau khi các ngân hàng mua ròng vàng nhiều kỷ lục trong năm ngoái. Nam 2022, lực mua của các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ quan trọng cho giá vàng, ngay cả khi nhà đầu tư khu vực tư nhân bán vàng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng mạnh.