Trong phiên góp ý cho Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cơ quan soạn thảo nên chú ý đảm bảo sự bình đẳng cho các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhất là với bên mua.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, nhiều người mua bảo hiểm khi ký hợp đồng bảo hiểm thường không đọc hoặc xem kỹ mà chỉ ký tên vào hợp đồng. Bên bán bảo hiểm thường ghi nội dung có lợi cho mình, nên khi có sự cố xảy ra thiệt hại bên mua là chủ yếu.
NHỮNG TRANH CHẤP PHỔ BIẾN
Theo đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang), cơ quan soạn thảo cần xem xét, thống nhất các thuật ngữ sử dụng khi ban hành các quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu, chào bán sản phẩm, cũng như ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ: “Các doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ các nội dung liên quan, những nghĩa vụ, quyền lợi khi giao kết hợp đồng”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SB Law, cho rằng bản chất mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm là quan hệ dân sự thông qua việc giao kết hợp đồng. Vì vậy, thường xảy ra những tranh chấp về các nghĩa vụ thanh toán, tranh chấp về thời hạn của hợp đồng hay những tranh chấp xoay quanh tính trung thực của thông tin mà bên mua bảo hiểm phải cung cấp.
"Phổ biến nhất là các tranh chấp liên quan đến điều khoản thanh toán: “Các bên bán bảo hiểm thường “cài cắm” những điều khoản khó hiểu hoặc dài dòng, nhằm đặt những phạm vi, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng, rồi nói với người mua rằng đó chỉ là những điều khoản phụ, không quan trọng”, luật sư Hà nói.
Theo đó, chỉ tới khi sự kiện xảy ra, người mua bảo hiểm yêu cầu thanh toán thì bên bán bảo hiểm mới nói rõ, giải thích kĩ từng trường hợp khó hiểu mà họ đã đặt ra, nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thanh toán. Điều tương tự cũng xảy ra với điều khoản về thời hạn của hợp đồng.
Vì vậy, người mua cần lưu ý tới những điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm do bên bán thường bám vào các điều khoản này để từ chối thanh toán.
Để bảo vệ người mua hợp đồng bảo hiểm, tại Khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi quy định: "phải có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm".
10 THÔNG TIN PHẢI KIỂM TRA KỸ
Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến nghị 10 thông tin mà người mua bảo hiểm cần tìm hiểu, kiểm tra kỹ trước khi ký kết hợp đồng bảo hiểm; đảm bảo hiểu rõ ràng và không có sai sót.
Cụ thể: tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; đối tượng bảo hiểm; số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm; mức phí bảo hiểm và phương thức đóng phí; thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; các quy định giải quyết tranh chấp; ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
Trên đây là những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài những nội dung bắt buộc nêu trên, các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác.
Đặc biệt, với những nội dung thường gây tranh chấp như phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm…bên mua nên yêu cầu người tư vấn, đại lý bảo hiểm giải thích cặn kẽ trước khi ký kết hợp đồng.
Một thực tế hiện nay cho thấy, hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu, nghĩa là bên tham gia bảo hiểm không được quyền đàm phán hoặc sửa đổi các điều khoản chủ yếu mà doanh nghiệp đã đưa vào. Bên tham gia bảo hiểm chỉ tuân thủ hoặc có thể từ chối ký kết vào hợp đồng bảo hiểm.
Quyền quyết định việc tham gia bảo hiểm hay không và tham gia với doanh nghiệp bảo hiểm nào vẫn do bên tham gia bảo hiểm quyết định.
Vì vậy, người tham gia bảo hiểm càng cần nghiên cứu kỹ thông tin để tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp nào họ cảm thấy có lợi cho mình nhất.