Ngày 18/4, TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án Nguyễn Văn Cường (SN 1979, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
LỪA GÓP VỐN MUA CHUNG, ĐẶT CỌC NHÀ ĐẤT
Theo cáo trạng, năm 2019, thông qua mối quan hệ xã hội, Cường quen biết chị Đặng Thị Hồng T. (SN 1978) và giới thiệu bản thân có doanh nghiệp sản xuất gạch xây dựng công trình giao thông, có mối quan hệ với Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội. Cường cũng khoe nhiều lần mua các thửa đất “xen kẹt” rồi làm sổ đỏ để bán kiếm lời.
Khoảng năm 2021, do thiếu vốn kinh doanh nên Cường nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của chị T. bằng hình thức góp vốn đầu tư.
Để thực hiện hành vi, Cường hỏi các môi giới bất động sản và biết có mảnh đất diện tích 277m2 ở quận Hà Đông đang rao bán với giá 20 triệu đồng/m2. Sau khi xem thửa đất, Cường rủ chị T. góp vốn đầu tư.
Cường cũng dựng ra nhân vật là chị Hường – một “đại gia phố cổ” (thực chất là người quen của Cường đang làm môi giới bất động sản) để tăng độ tin tưởng cho chị T.
Ngày 19/1/2022, Cường gọi điện cho chị T. nói “em đang từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về, thửa đất 277m2 làm được sổ, em qua chị để bàn việc hợp tác mua đất luôn cho kịp”.
Cường đến nhà chị T. nói sẽ mua được mảnh đất trên với giá rẻ và nhờ người làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cường nói mình chuẩn bị 9,2 tỷ đồng, tương ứng với 2/3 số tiền mua đất; chị T. góp thêm 1/3 tương ứng là 4,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cường dự kiến chi phí đặt cọc và làm thủ tục cấp sổ đỏ hết 3 tỷ đồng, trong đó chị T. góp 1 tỷ đồng. Cường hứa hẹn để chị T. đứng ra tên chủ sử dụng đất và quản lý giấy tờ nhà đất.
Cường cũng bịa chuyện chị Hường “đại gia phố cổ” ủy quyền cho Cường ký hợp đồng với chị T.
Do đó, chiều 19/1/2022, chị T. đồng ý góp 1 tỷ đồng đặt cọc và lập vi bằng thừa phát lại. Thực tế, Cường chỉ đặt cọc 300 triệu đồng cho chủ đất vì Cường thỏa thuận mua đất với giá 4,7 tỷ đồng. Số tiền 700 triệu đồng còn lại Cường sử dụng để chi tiêu cá nhân.
CHIÊU LỪA "PHẠT CỌC" TINH VI
Còn trong vụ án Trần Đặng Anh Tuấn bị Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền phạt cọc tinh vi.
Theo cáo trạng, Ông Lê Hiệp D. (SN 1954) có nhu cầu bán đất diện tích 92,8m2 ở khu vực đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) và ông Nguyễn Mạnh T. (SN 1969) cũng muốn bán gấp mảnh đất đang xây khách sạn ở sát nhà ông D. Lúc này, ông D. tìm người mua nhà của mình với giá cao nên tìm luôn cả khách có nhu cầu mua khách sạn để được hưởng tiền chênh lệch môi giới.
Ông D. đã trao đổi với Tuấn về việc tìm người mua khách sạn của ông T., nếu giao dịch thành công thì cả hai chia đôi tiền. Tuấn đồng ý và nói sẽ trực tiếp liên hệ với ông T.
Vào tháng 5/2021, lợi dụng sự tin tưởng của ông D. và do ông D. đang phải cách ly do dịch bệnh Covid 19 nên Tuấn nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Tuấn nói với ông D. là bản thân đã làm việc với ông T. để mua mảnh đất với giá 57 tỷ đòng, yêu cầu cọc 5,7 tỷ đồng; thời hạn đặt cọc là 10 ngày. Nếu quá thời hạn 10 ngày sẽ bị mất cọc.
Tuấn nói sẽ đứng ra đàm phán, đảm bảo đặt cọc thay ông D. và thực hiện các giao dịch để cùng mua chung mảnh đất trên. Tuấn cũng sẽ tìm người mua cả hai mảnh đất trên và dùng chính số tiền của người mua này để trả tiền mua mảnh đất của ông T. Sau khi bán được, cả hai sẽ chia đôi tiền chênh lệch.
Ông D. đồng ý để Tuấn đứng ra thực hiện các giao dịch.
Thực tế, trong thời gian này, Tuấn không liên hệ với ông T. để mua khách sạn, không đưa tiền đặt cọc. Tuy nhiên, đến ngày 20/3/2021, Tuấn vẫn nói với ông D. là không tìm được người mua đất nên không có tiền trả cho ông T. Như vậy, cả hai phải chịu mất số tiền phạt cọc 4 tỷ đồng.
Ông D. tưởng thật và do Tuấn nhiều lần thúc ép nên ông này nhờ người đưa tiền 2 tỷ đồng cho Tuấn.
Một thời gian sau, ông D. đến gặp trực tiếp ông T. để hỏi về việc phạt cọc thì ông T. cho biết không có sự việc giao kết hay thực hiện hợp đồng đặt cọc, thanh toán tiền. Do đó, ông D. gửi đơn tố giác đến cơ quan công an. Hiện Tuấn đã trả lại số tiền trên cho nạn nhân.
Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến, các hình thức lừa đảo đặt cọc nhà đất phổ biến trên thị trường như đặt cọc nhưng không nhận được đất, lừa bán đất của người khác nhằm mục đích lấy tiền cọc hoặc dùng một thửa đất để lừa bán cho nhiều người… Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định, giấy tờ pháp lý liên quan, hoặc mua bán nhà đất thông qua các công ty môi giới uy tín để tránh rủi ro.