Các nhà đầu tư tiền ảo ở Trung Quốc đại lục không mấy bận tâm tới việc Chính phủ nước này gần đây có đợt siết chặt quản lý tiền ảo mạnh tay nhất kể từ năm 2017. Theo hãng tin Bloomberg, điều này cho thấy thách thức đối với Bắc Kinh trong việc kiềm chế cơn sốt đầu cơ tài sản số.
Phản ứng bán tháo ban đầu đã nhường chỗ cho sự phục hồi đều đặn trên các nền tảng OTC mà các nhà giao dịch tiền ảo Trung Quốc đã sử dụng kể từ khi các sàn tiền ảo ở nước này bị cấm vào năm 2017. Một thước đo chủ chốt về tâm lý của giới đầu tư tiền ảo ở Trung Quốc đại lục – tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với đồng stablecoin Tether – đã giảm tới 4,4% sau khi Chính phủ Trung Quốc gần đây đưa ra cảnh báo về hoạt động đào và giao dịch tiền ảo. Nhưng đến cuối tuần vừa rồi, tỷ giá này đã hồi lại hơn một nửa mức giảm đó – theo nền tảng dữ liệu tiền ảo Feixiaohao.
KHÓ TRUY DẤU GIAO DỊCH
Trung Quốc tăng cường cuộc chiến chống tiền ảo khi biến động giá Bitcoin và nhiều tiền ảo khác trong 6 tháng qua làm gia tăng mối lo ngại của Bắc Kinh về nguy cơ xảy ra gian lận, rửa tiền và thiệt hại đối với các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, bản chất khó truy dấu của giao dịch tiền ảo trên các nền tảng OTC trong nước và các mạng lưới ngang hàng (P2P) đồng nghĩa sẽ cực kỳ khó để nhà chức trách có thể thực thi một lệnh cấm triệt để đối với loại tài sản này.
Bloomberg cho rằng điều này có thể làm yên lòng giới đầu tư tiền ảo toàn cầu, sau khi những tuyên bố từ Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua góp phần dẫn tới cuộc bán tháo hồi giữa tháng khiến thị trường tiền số có thời điểm mất gần 1 nghìn tỷ USD vốn hoá so với mức kỷ lục.
"Về thua lỗ và việc nhà chức trách siết kiểm soát, tôi không quan tâm” – Charles, 35 tuổi, một nhà tư vấn bấn động sản ở Thượng Hải, phát biểu. Là một người chơi tiền ảo từ năm 2017 và đề nghị chỉ nêu tên tiếng Anh thường gọi, Charles nói rằng mình đã lỗ 11 triệu USD trong vòng chỉ 3 ngày trong đợt sụt giá tiền ảo vừa rồi. “Đối với tôi, đó chỉ là mất đi số lợi nhuận mà tôi kiếm được trong mấy tháng qua. Tôi nhìn về 10-20 năm nữa”, Charles nói.
Trước khi Trung Quốc ban lệnh cấm các sàn giao dịch tiền ảo ở nước này vào năm 2017, giới đầu tư Trung Quốc nắm khoảng 7% số Bitcoin và chiếm khoảng 80% giao dịch Bitcoin trên toàn cầu – theo truyền thông nước này. Lệnh cấm sàn tiền ảo khiến việc đưa ra những con số ước tính như vậy là điều không thể vào thời điểm hiện nay, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn được cho là có sự hiện diện lớn trong thế giới tiền ảo thông qua các nền tảng OEC trong nước và các sàn giao dịch ở nước ngoài mà họ có thể tiếp cận thông qua sử dụng các mạng riêng ảo (VPN).
Rất khó để cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện các giao dịch liên quan đến Nhân dân tệ và tiền ảo từ nước này, vì các giao dịch này thường diễn ra theo hai bước riêng biệt – theo Bloomberg.
Bước thứ nhất diễn ra trên các nền tảng OTC vận hành bởi những công ty như Huobi và OKEx, cho phép các nhà giao dịch đăng lệnh mua và bán. Ở bước thứ hai, khi hai bên đã nhất trí về một mức giá, bên mua sẽ sử dụng một nền tảng thanh toán riêng – được vận hành bởi một ngân hàng của bên bán hoặc một công ty công nghệ tài chính như Ant Group Co. – để chuyển tiền Nhân dân tệ tới bên bán.
Số tiền số được bán - thường được nền tảng OTC giữ trong một tài khoản uỷ thác cho tới khi thanh toán bằng Nhân dân tệ hoàn thành – đến lúc này mới được chuyển cho bên mua. Nhà chức trách Trung Quốc thường không có cách nào để kết nối hai bước giao dịch trên với nhau nên không có căn cứ để xử lý.
Phần thanh toán bằng Nhân dân tệ của giao dịch trên diễn ra hoàn toàn bên trong hệ thống tài chính Trung Quốc, nên nguy cơ xảy ra sự thoái vốn trên quy mô lớn khỏi nước này là thấp. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn muốn cảnh báo các công ty tài chính và nhà đầu tư cá nhân tránh xa tiền ảo.
"MẤT TRẮNG CŨNG CHẲNG SAO"
Mới đây, Bắc Kinh nhắc lại yêu cầu các ngân hàng và công ty thanh toán Trung Quốc nhận diện và ngăn chặn những giao dịch đáng ngờ, đồng thời nhấn mạnh rằng tạo điều kiện cho giao dịch tiền ảo là vi phạm các quy định của ngành ngân hàng. Tiếp đó, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc yêu cầu xử lý triệt để hoạt động giao dịch và đào tiền ảo, cam kết ngăn chặn tuyệt đối các rủi ro tài chính.
Sau tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, Huobi tuyên bố đã dừng cung cấp dịch vụ hosting dành cho các mỏ tiền ảo ở Trung Quốc đại lục và đang thu hẹp các sản phẩm hợp đồng tương lai và đầu tư sử dụng đòn bẩy tại một số thị trường. Hiện chưa rõ Huobi có định đóng nền tảng OTC hay không.
Cho đến hiện tại, cơ quan chức năng Trung Quốc chưa gọi hoạt động giao dịch tiền ảo của các nhà đầu tư cá nhân là bất hợp pháp, nhưng việc siết giám sát sẽ có sự tham gia của cơ quan công an, vì một số hoạt động tiền ảo ở nước này bị nghi tạo điều kiện cho rửa tiền và tài trợ khủng bố - nguồn thạo tin cho hay.
Cảnh sát ở Bắc Kinh đã phát tờ rơi cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng liên quan đến tiền ảo. Một tờ rơi mà Bloomberg thu thập được nói rằng tiền ảo là một trong những công cụ phổ biến nhất trong những vụ gian lận gần đây nhất, và bất kỳ ai “đang hoảng sợ, không biết nên làm gì” nên gọi điện cho cảnh sát.
Trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, một số nhà đầu tư tiền ảo nói rằng họ bị cảnh sát địa phương triệu tập trong thời gian gần đây và cảh báo về rủi ro đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng. Một nhà đầu tư nói nhà chức trách địa phương yêu cầu ông bán số tiền ảo đang nắm giữ. Một người khác nói cảnh sát yêu cầu ông xoá ứng dụng giao dịch tiền ảo khỏi smartphone.
Giới chức Trung Quốc xem thành công của nước này trong việc xoá sổ hoạt động cho vay ngang hàng ở nước này cách đây 2 năm là một mô hình cho cuộc chiến chống tiền ảo, nguồn tin không tiết lộ danh tính cho hay. Cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đã bị truy quét sau khi những vụ gian lận và vỡ nợ xảy ra tràn lan, thậm chí dẫn tới một số vụ tự tử và biểu tình trên đường phố. Vào thời hoàng kim, cho vay ngang hàng ở Trung Quốc có hơn 50 triệu người dùng và 150 tỷ USD dư nợ.
Biến động cực đoan của tiền ảo đã để lại dấu ấn đau thương ở Trung Quốc. Trong một vụ gây xôn xao vào tháng 6 năm ngoái, một người đàn ông ở Đại Liên đã giết con gái 3 tuổi và cùng vợ tìm cách tự sát sau khi thua lỗ 20 triệu Nhân dân tệ (3,1 triệu USD) vì vay nợ chơi Bitcoin.
Cách đây 3 tuần, Peter – một nhân viên công nghệ ở Bắc Kinh – rót 20.000 Nhân dân tệ mua tiền ảo, đúng vào đợt giá biến động. Vài này sau, giá trị khoản đầu tư này tăng lên mức gần 100.000 Nhân dân tệ, rồi lại sụt nhanh về 14.000 USD. Peter không nản lòng, mà nhắc lại quan điểm chung của các nhà giao dịch tiền ảo trên toàn cầu: “Có mất trắng cũng chẳng sao. Nhưng nếu một ngày nào đó, tiền ảo bất ngờ làm bạn giàu thì sao?”