Theo đó, Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên ở phương Tây bắt đầu giảm mạnh chi tiêu sau thời gian bơm tiền kích thích tài khóa trong đại dịch Covid-19 và các biện pháp trợ cấp năng lượng gần đây.
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Anh đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ. Lạm phát tháng 10 của nước này đã tăng đáng kể so với mức 10,1% của tháng 9 và là mức cao nhất kể từ tháng 10/1981.
Các biện pháp mới công bố cũng đánh dấu động thái xoay chiều chính sách kinh tế lớn lần thứ hai của Anh chỉ trong vài tháng, sau khi cựu Thủ tướng Liz Truss gây chấn động thị trường tài chính với kế hoạch giảm thuế và thúc đẩy cho vay để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Người kế nhiệm của bà Truss, ông Rishi Sunak, giờ đây đang xoay chuyển chính sách kinh tế theo hướng hoàn toàn ngược lại. Theo tờ Wall Street Journal, động thái này được đánh giá là nhằm cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng nước Anh đang nghiêm túc trong việc kiểm soát nợ công - hạng mục đang tăng nhanh. Thách thức lớn của tân Thủ tướng Anh là khôi phục niềm tin của thị trường mà không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đang rơi vào suy thoái của nước này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt, kế hoạch tài khoá mới có quy mô 55 tỷ Bảng Anh (tương đương khoảng 66 tỷ USD) và được thực hiện trong vòng 5 năm. Kế hoạch này nhằm giảm bớt tỷ trọng nợ công trong GDP từ năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2028. Tuy nhiên, phần lớn các khoản cắt giảm chi tiêu sẽ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025, sau cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh.
“Nhờ các kế hoạch của chúng tôi, suy thoái kinh tế sẽ nhẹ hơn và lạm phát cũng giảm xuống”, ông Hunt nói khi trình bày kế hoạch trên tại Hạ viện ngày 17/11. “Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa chúng ta phải đưa ra các quyết định khó khăn”.
Đây sẽ là kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” lớn nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây của Anh. Chương trình này cho thấy những thách thức mà Anh cũng như các nền kinh tế lớn phương Tây đang đối mặt, sau khi mạnh tay bơm tiền để kích thích kinh tế trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19 cũng như để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây.
Theo các nhà phân tích, thách thức này đặc biệt nghiêm trọng với Anh bởi đây là nền kinh tế đầu tiên chứng kiến thị trường tài chính rơi vào trạng thái hỗn loạn sau khi kế hoạch cắt giảm thuế khổng lồ của bà Truss vấp phải phản ứng gay gắt của nhà đầu tư, khiến đồng Bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục, đẩy chi phí nợ công tăng cao.
“Kế hoạch tài khóa mới của Chính phủ Anh phù hợp với kỳ vọng của thị trường tài chính”, ông Federico Cesarini, giám đốc thị trường hối đoái tại các nước phát triển của Amundi Institute, nhận xét.
Theo Bộ trưởng Tài chính Anh, Chính phủ sẽ tăng thuế bằng cách giảm ngưỡng thu nhập phải nộp thuế cao, giảm trợ cấp năng lượng với các hộ gia đình từ mùa xuân tới, tăng thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) của các công ty năng lượng… Với tất cả các biện pháp này, gánh nặng thuế tại Anh được dự báo sẽ lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.
Lợi tức trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm đã tăng 0,067 điểm phần trăm lên 3,214%, cho thấy chi phí đi vay của Chính phủ tăng lên. Trong khi đó, đồng Bảng Anh đã giảm 0,97% giá trị so với USD, xuống còn 1,1799 USD đổi 1 Bảng Anh, chủ yếu do lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu.
“Sau cùng, các biện pháp này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng, dẫn tới suy thoái”, nhà phân tích tiền tệ Lee Hardman tại ngân hàng MUFG nhận định. “Đây không phải là điều mà người ta kỳ vọng các chính phủ sẽ làm và chắc chắn sẽ dẫn tới triển vọng tăng trưởng kém hơn trong tương lai”.
Trong khi một số nhà phân tích cho rằng quy mô kế hoạch thắt chặt tài khóa này của Chính phủ Anh chưa đủ lớn, một số khác lại nhận định hiện tại chưa phải thời điểm để thắt chặt tài khóa.
“Để khiến thị trường hài lòng, cần phải có các biện pháp thắt chặt tài khóa lớn hơn”, ông Paul Dales, nhà kinh tế trưởng tại Anh của công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận xét.
Còn ông Stephen Millard, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) cảnh báo rằng việc thắt chặt tài khóa lúc này có thể phản tác dụng nếu làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế đã bắt đầu từ quý 3 tại Anh và được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm sau hoặc lâu hơn.
“Chúng tôi cho rằng bây giờ chưa phải lúc để giảm chi tiêu hay tăng thuế”, ông Millard nói và cho biết nợ công trên GDP của Anh hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế lớn khác.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng nợ công trong GDP của Anh hiện ở mức 95,3%, trong khi đó, tỷ lệ này của Mỹ là 121,8%, Pháp là 112,6% và Italy là 150,9%.