Ngày 9/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 186/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, các quy định về bán và thanh lý tài sản công được làm rõ, hướng tới việc tăng cường hiệu quả và tính minh bạch trong quá trình xử lý tài sản công.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ BÁN TÀI SẢN CÔNG
Nghị định 186/2025/NĐ-CP nêu rõ thẩm quyền quyết định bán tài sản công được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này về thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công. Cụ thể, đối với các trường hợp được quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thẩm quyền được phân cấp như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương có quyền quyết định hoặc phân cấp quyết định bán tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định hoặc phân cấp quyết định bán tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương; Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định bán tài sản do Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng; Cơ quan có tài sản công quyết định bán đối với tài sản cố định theo phân cấp và tài sản công không phải là tài sản cố định.
Về trình tự, thủ tục bán tài sản công, cơ quan có tài sản công sẽ lập hồ sơ đề nghị bán và gửi lên cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định bán hoặc có văn bản trả lời nếu đề nghị không phù hợp.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ giao cho cơ quan có tài sản công hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công chịu trách nhiệm tổ chức việc bán tài sản. Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp gia hạn thời gian bán nếu chưa hoàn thành, hoặc xử lý theo các hình thức khác nếu không tiếp tục bán. Trong vòng 30 ngày kể từ khi hoàn thành việc bán, cơ quan có tài sản phải hạch toán giảm tài sản và báo cáo kê khai biến động.
Nghị định 186/2025/NĐ-CP cũng quy định 3 phương thức bán tài sản công gồm: Đấu giá, niêm yết giá và chỉ định.
THẨM QUYỀN VÀ TRÌNH TỰ THANH LÝ TÀI SẢN CÔNG
Về thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công, Nghị định quy định chi tiết cho các trường hợp tại khoản 1 Điều 45 của Luật.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp quyết định thanh lý tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp quyết định thanh lý tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản do Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng.
Cơ quan có tài sản công quyết định thanh lý đối với tài sản cố định theo phân cấp và tài sản công không phải là tài sản cố định.
Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công được thực hiện khi tài sản hết hạn sử dụng, bị hư hỏng không thể sửa chữa hiệu quả (chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá), hoặc phải phá dỡ để thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng. Cơ quan có tài sản sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh lý và gửi lên cấp trên (nếu có) để xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định thanh lý hoặc có văn bản hồi đáp. Sau khi có quyết định thanh lý, cơ quan có tài sản sẽ tổ chức thanh lý trong vòng 60 ngày (đối với nhà và tài sản gắn liền với đất) hoặc 30 ngày (đối với tài sản khác).
Nghị định cũng có quy định riêng cho trường hợp phải phá dỡ, hủy bỏ tài sản để thực hiện dự án đầu tư hoặc giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, đơn vị không phải thực hiện thủ tục báo cáo quyết định thanh lý. Chi phí phá dỡ, hủy bỏ sẽ được tính vào chi phí dự án, và số tiền thu được từ vật tư, vật liệu thu hồi sẽ được quản lý theo quy định của dự án hoặc nộp ngân sách nhà nước.
Nghị định 186/2025/NĐ-CP quy định 2 hình thức tổ chức thanh lý tài sản công là: Phá dỡ, hủy bỏ và bán.
Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo sự công khai, minh bạch và tối ưu hóa nguồn lực nhà nước.