May 07, 2010 | 09:15 GMT+7

Chính phủ: Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay

Minh Thúy

Theo dự báo của Chính phủ, năm 2010, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%

Kinh tế những tháng đầu năm 2010 tăng trưởng khá trên hầu hết các lĩnh vực - Ảnh: Việt Tuấn.
Kinh tế những tháng đầu năm 2010 tăng trưởng khá trên hầu hết các lĩnh vực - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm 2010, Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là dự báo tại báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, ngày 4/5 của Chính phủ.

Đây là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cùng với đánh giá bổ sung về thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 của Chính phủ, tại phiên họp ngày 7/5.

Bên cạnh dự báo về mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cũng nhận định có thể đảm bảo về cơ bản mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định các cân đối lớn như thu chi ngân sách Nhà nước, xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế, ổn định đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội, trong năm nay.

Các dự báo này được đưa ra trên cơ sở xu hướng phục hồi khả quan của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế ấn tượng của khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, năm 2010 các doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu khi một số hiệp định về thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và một số nước bắt đầu có hiệu lực. Liên kết kinh tế trong khu vực tiếp tục được củng cố, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, sẽ tạo môi trường khu vực thuận lợi cho tăng trưởng của Việt Nam.

Ở trong nước, theo đánh giá của Chính phủ, xu hướng phục hồi với đà tăng trưởng khá cao và liên tục từ quý 2/2009 đến nay tiếp tục được duy trì trong thời gian tới một cách khá vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2010 gấp gần 2 lần quý 1/2009. Các nguồn vốn đầu tư dự báo có thể huy động được cao hơn nhiều so với năm trước nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các chính sách phục hồi kinh tế và phát triển bền vững của nước ta.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đặc biệt sự phát triển của thị trường nội địa là yếu tố quan trọng bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững trong điều kiện xuất khẩu khó khăn, báo cáo viết.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng dự báo nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Trước hết là những tiềm ẩn về nguy cơ lạm phát cao trở lại ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế và các sản phẩm còn yếu trên cả thị trường thế giới và trong nước. Một số cân đối lớn như xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế còn nhiều khó khăn. Thiên tai, hạn hán, bão lũ có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng nghèo còn khó khăn.

Ở góc nhìn của cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Thách thức lớn nhất của năm 2010 là cùng lúc phải đạt được hai mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009.

Đa số ý kiến trong ủy ban cho rằng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay cần được coi là ưu tiên hàng đầu, không chỉ là nền tảng bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2010, mà sẽ là tiền đề để tăng trưởng cao cho những năm sau và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước là những nhiệm vụ cần tập trung quyết liệt trước mắt để thực hiện được mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng nhấn mạnh các giải pháp chủ yếu được  tập trung chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.

Theo đó, tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát được Chính phủ xác định là giải pháp đầu tiên. Bảo đảm ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng và dịch vụ tài chính cũng nằm trong nhóm giải pháp được tập trung chỉ đạo từ nay đến cuối năm.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân và doanh nghiệp triệt để thực hiện tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu và thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate