Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành liên quan vào cuộc, tìm giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm, sau khi nhận được báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình thực tế người lao động mất việc làm để chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án ban hành chính sách hỗ trợ người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về kinh phí công đoàn.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng đề nghị Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, thúc đẩy đối thoại, thương lượng, kịp thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động.
Để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ tháng 2/2023, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thực hiện thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người kể từ ngày 1/4/2023.
Ngày 9/5/2023, công ty tiếp tục thông báo phải thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn là 5.744 lao động (đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6/2023 là 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7/2023 là 1.225 lao động).
Trong số lao động chấm dứt hợp đồng lao động có trên 80% nữ giới, khoảng 45% lao động từ 21 đến 40 tuổi, trên 50% lao động từ 40 tuổi trở lên, khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên. Phần lớn lao động chấm dứt hợp đồng lao động là lao động phổ thông.
Việc cắt giảm số lượng lớn lao động ở doanh nghiệp này được cho là do công ty gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu các đơn hàng mới do các nước thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu về hàng hóa dệt may, da giày…
Theo chính sách riêng của công ty, cứ mỗi năm làm việc người lao động được chi trả 0,8 tháng tiền lương (tiền lương bình quân của 6 tháng theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt), trong thời gian báo trước việc chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ không đến làm việc nhưng vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ.
Không chỉ Công ty PouYuen, mà từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, dẫn đến phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm.
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện cuối tháng 4/2023 với hơn 9.500 doanh nghiệp cũng dự báo làn sóng cắt giảm lao động sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023.
Trong tổng số hơn 9.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.