Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Công điện nêu rõ, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và nhân dân đã khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhân sỹ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân và huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể tầng lớp nhân dân. Thời gian tới, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.
Để bảo đảm việc tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội).
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc việc gửi báo cáo theo đúng kế hoạch của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tập trung mọi nguồn lực để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân, bảo đảm chất lượng, thời hạn để xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước ngày 1/4/2023.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 15/3/2023 là thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân, đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 671/NQ-UVTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, website lấy ý kiến nhân dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo) đã tiếp nhận 7.979 lượt ý kiến góp ý từ 782 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật, trong đó có 6.835 lượt ý kiến đồng ý; 822 lượt có ý kiến góp ý. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng nhận được 98 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp, trong đó có 36 tổ chức, còn lại là của công dân.
Cơ quan này cho biết, qua tổng hợp, nghiên cứu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì có rất nhiều ý kiến tán thành với nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá Dự thảo đã mang nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.