November 20, 2022 | 09:51 GMT+7

Chính phủ yêu cầu khẩn trương sửa đổi quy định phụ cấp ưu đãi giáo viên

Như Nguyệt -

Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp với tinh thần đất nước và cân đối chung với các ngành nghề khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo VIệt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, lưu ý nhiều nội dung quan trọng.

Đối với đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu".

Mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của đất nước.

Thủ tướng mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt, có cách tiếp cận mới trong dạy và học.

Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí, làn gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên với tinh thần yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu.

Đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình "Trường học An toàn - Thân thiện - Bình đẳng", phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò, với phụ huynh học sinh.

Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó; về đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật kỷ cương...

Bên cạnh đó, các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các cháu; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, năng lực sáng tạo của học sinh phù hợp với sự phát triển của đất nước và tiến bộ xã hội trong điều kiện mới.

Đối với phụ huynh và học sinh, ất cả chúng ta đều muốn dành sự tri ân và biết ơn sâu sắc nhất đến các thầy cô.

Từ xa xưa, cha ông ta có câu: "Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" để nhắn nhủ chúng ta phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.

Đối với các em học sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong rằng các em hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả, cống hiến hết mình của các thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài, nâng tầm tri thức để mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô.

Đối với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục chủ động quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục-đào tạo, nhất là Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Ban hành và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, chuẩn hóa, hiện đại, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

KHẨN TRƯƠNG SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH PHỤ CẤP ƯU ĐÃI GIÁO VIÊN

Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo.

Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến. 

Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp với tinh thần đất nước và cân đối chung với các ngành nghề khác.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhà giáo là chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên trong thời gian tới. 

Sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm.

TRIỂN KHAI TỰ CHỦ GIÁO DỤC THEO LỘ TRÌNH

Hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai tự chủ giáo dục theo lộ trình nhưng vẫn phải bảo đảm để tất mọi người đều có quyền tiếp cận với nền giáo dục ưu việt của nước nhà, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tích cực đổi mới sáng tạo. Tăng cường hội nhập quốc tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Thực hiện quản trị trường học theo hướng hiện đại, thông minh. Phát huy dân chủ, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong xây dựng và phát triển nhà trường. Chú ý đảm bảo an ninh, an toàn, xây dựng môi trường văn hóa, phòng chống bạo lực học đường.

Các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục dành cho ngành Giáo dục sự quan tâm sâu sắc, sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Tập trung và huy động các nguồn lực đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất trường học, điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, giải quyết tình trạng thiếu trường học, nhất là ở các khu công nghiệp và thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vùng khó khăn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate