Lần đầu tiên trong lịch sử thống kê tình hình đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lại thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, trong khi số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 56.946 doanh nghiệp thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.241 doanh nghiệp.
Điều này cho thấy doanh nghiệp đã không thể trụ vững trước những khó khăn của nền kinh tế. Bằng chứng không chỉ ở số lượng các doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng mà quan trọng hơn là mức độ giảm công suất, giảm vốn kinh doanh và thu hẹp sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 cũng giảm tới 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó giải thích tại sao chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2023 quay đầu giảm trở lại (-1,6%) sau khi đã phục hồi nhẹ ở mức 3,6% trong tháng 2/2023 và tăng trưởng GDP quý 1/2023 cũng nằm sát ngưỡng thấp nhất trong số GDP quý 1 các năm từ 2011-2023.
“ĐÁY” KHÓ KHĂN SẼ KÉO DÀI
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, con số doanh nghiệp đóng cửa và sắp đóng cửa trong năm 2023 cho thấy khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần phải có quyết sách rất nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua thách thức.
“Việc thành lập doanh nghiệp đã khó khăn, giờ hoạt động được 5-7 năm lại phải đóng cửa là mất mát rất lớn với nền kinh tế. Hơn thế, doanh nghiệp đóng cửa còn ảnh hưởng tới những doanh nghiệp đang tồn tại, bởi quan hệ kinh tế có sự ràng buộc và đan xen lẫn nhau”, ông Đoàn nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sự khó khăn của nền kinh tế, bao gồm cả phía cung lẫn phía cầu, đang đổ dồn lên doanh nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để giảm thiểu chi phí hoạt động, chờ đợi cơ hội quay trở lại thị trường.
Câu hỏi đặt ra ở đây, theo ông Cung, liệu rằng đây đã là đáy khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt hay chưa; hay khó khăn vẫn tiếp tục “bủa vây” doanh nghiệp trong thời gian tới?
Theo vị chuyên gia này, tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, về tình hình thế giới, mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao trong năm 2023; tăng trưởng ở các nền kinh tế là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản… không rơi vào suy thoái nhưng đang giảm tốc khiến cầu tiêu dùng ở các quốc gia này sụt giảm, ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam…
Ở trong nước, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh do lạm phát tăng cao và thu nhập của người dân giảm sút; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5 – 10%; và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp…
“Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp đã chạm đáy khó khăn nhưng vấn đề ở đây là đáy này như thế nào, đáy một điểm để rồi bật tăng trở lại hay đáy kéo dài. Theo tôi, đáy mà nền kinh tế và doanh nghiệp đang phải đối mặt là đáy kéo dài, có thể là trong một vài quý tới. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng”, ông Cung nhận định.
KHÓ KHĂN “BỦA VÂY” DOANH NGHIỆP
Tổng hợp ý kiến gần đây của hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt có liên quan tới dòng tiền.
Bên cạnh vấn đề về tiếp cận vốn, theo Ban IV, những quy định thuế và thực thi thuế đang khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”. Theo phản ánh của các hiệp hội, hiện có tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng của ngành dăm gỗ; mức thuế giá trị gia tăng chưa hợp lý của ngành phân bón; hay khó khăn trong đóng thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá...
Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền chờ hoàn cộng dồn từ năm 2020 đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh doanh nghiệp “khát vốn” như hiện nay, Ban IV cho rằng Tổng cục Thuế cần nhanh chóng tiến hành rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành về thuế không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi..., từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.
Tại hội nghị về phát triển kinh tế tư nhân mới đây, sự khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng được nêu lên. Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết mặc dù có rất nhiều chính sách ưu đãi vốn vay được ban hành, song doanh nghiệp tư nhân Thanh Hóa vẫn rất khó tiếp cận và thụ hưởng các nguồn vốn ưu đãi này.
“Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, điều kiện cho vay siết chặt, thiếu tài sản đảm bảo hoặc hệ thống kế toán sổ sách chứng từ sơ sài, thiếu độ tin cậy… vẫn là những yếu tố kỹ thuật cản trở doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn”, ông Đoan cho biết.
Còn theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tuy nền kinh tế “trụ vững” trong 3 năm đặc biệt khó khăn vừa qua, song khu vực “nội” đã bị suy yếu, nhiều doanh nghiệp đang bị “khát vốn”, sức lực suy giảm đáng kể, trong khi các kênh dẫn vốn chính - đầu tư công, thị trường trái phiếu, cổ phiếu,… bị tắc nghẽn, do đó, vấn đề cấp bách lúc này là phải tiếp vốn để doanh nghiệp tiếp tục xoay sở sản xuất và kinh doanh.
Bên cạnh những khó khăn về dòng tiền, theo Ban IV, các doanh nghiệp hiện nay đang lúng túng với các mô hình kinh tế mới như tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn hay các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)… nhất là trong bối cảnh Mỹ, EU… liên tục đưa ra những quy định có tác động tới chuỗi cung ứng trong nước.
Ngoài ra, những khó khăn liên quan tới những quy định bất hợp lý trong môi trường đầu tư kinh doanh cũng khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, như: chi phí cảng biển bất hợp lý, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành hàng; quy định liên quan tới thời gian làm việc của lái xe hay vấn đề đăng kiểm…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam