Đánh giá về chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam tại hội thảo ngày 20/12, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho rằng Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển, đang đứng trước áp lực phải thích ứng nhanh chóng khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, chuyển đổi số, trí tuệ nhận tạo và các công nghệ cao. Cùng với đó là những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và phát triển bền vững.
SỨC ÉP ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP
Theo đó, bà Minh cho rằng mô hình phát triển mới đòi hỏi phải xác định được các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh tĩnh và lợi thế cạnh tranh động (trong dài hạn), gắn với cải thiện cả năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
“Hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là một xu hướng lớn và vẫn hạn chế việc sử dụng các công cụ chính sách thương mại truyền thống để bảo hộ cho nhập khẩu, song đây cũng là một “sức ép” tích cực để chính sách công nghiệp của các quốc gia phải có sự điều chỉnh cả về nội dung và phương thức thực hiện,” bà Minh nói.
Trong những thập niên vừa qua, Việt Nam đã đạt được không ít thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và có tên trên “bản đồ” quốc tế của chuỗi sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp như điện tử, dệt may, da giày...
Tư duy chính sách đối với phát triển công nghiệp đã liên tục được hoàn thiện, thể hiện trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.
Tư duy phát triển, hiện đại hóa các ngành công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong nhiều văn bản chính sách khác (như Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn…).
Bên cạnh những kết quả tích cực, bà Minh cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với không ít vấn đề trong phát triển công nghiệp, trong đó có năng suất lao động khiêm tốn, năng lực thích ứng với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của khu vực công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn.
NÂNG CAO HÀM LƯỢNG CÔNG NGHỆ
Báo cáo về chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, cho biết việc trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và ứng dụng công nghệ số sẽ tạo nền tảng vững chắc cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Theo đó, CIEM kiến nghị Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời điều chỉnh chính sách công nghiệp để không chỉ định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, mà còn trở thành công cụ đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chỉ rõ những vấn đề “cố hữu” của Việt Nam như năng suất lao động còn thấp, khả năng phát triển công nghệ hạn chế và sự phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động… Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, cho rằng việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là những giải pháp then chốt.
“Các giải pháp như nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua rào cản hiện tại và dần đóng góp vào năng lực tự chủ của nền kinh tế, kể cả trong các ngành, lĩnh vực mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, ông Dương bày tỏ.
Theo đó, vị chuyên gia của CIEM kiến nghị cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần thiết lập khung pháp lý linh hoạt giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và mở rộng sản xuất khi cần thiết.
Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, để ngành công nghiệp phát triển, cần hỗ trợ doanh nghiệp “đầu đàn” dẫn dắt chuỗi giá trị, từ đó nâng cao sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Song phải xem xét liều lượng hỗ trợ, cách thức và thời điểm can thiệp để vừa phù hợp với các cam kết quốc tế vừa phòng tránh lợi ích nhóm”, ông Thành nhấn mạnh.