September 30, 2022 | 13:01 GMT+7

Chính sách tài khoá và tiền tệ “va nhau chan chát”, Anh đang tự “dìm” vào khủng hoảng kinh tế?

Hoài Thu -

Một tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định nâng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm để kìm chế lạm phát. Khi ấy, cơ quan này không biết rằng một cơn bão lớn sắp ập đến...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: AFP
Ảnh minh hoạ - Ảnh: AFP

Trong vòng chưa đầy 24 tiếng sau đó, Chính phủ của tân Thủ tướng Anh Liz Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất trong vòng 50 năm qua với mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch này đã gây ra cú sốc lớn với nền tài chính của quốc gia này và “thổi bay” niềm tin của nhà đầu tư.

"KẾ HOẠCH ĐÚNG ĐẮN" HAY CANH BẠC?

Tỷ giá đồng bảng Anh lập tức rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD hôm 26/9, sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh nhấn mạnh lập trường của Chính phủ với việc ẩn ý rằng có thể sẽ có thêm các đợt giảm thuế, dù không giải thích nguồn tiền nào sẽ được dùng cho kế hoạch này. Giá trái phiếu Chính phủ Anh lao dốc mạnh, đẩy lãi suất cho vay tăng vọt. Điều này châm ngòi cho tình trạng hỗn loạn trên thị trường cho vay thế chấp mua nhà và đẩy các quỹ hữu trí vào nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh thị trường tài toàn cầu đã rơi vào tình trạng bất ổn do nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng và tác động của ba đợt tăng lãi suất mạnh tay liên tiếp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

“Thị trường tài chính toàn cầu giờ đây giống như một cái nồi áp suất vậy”, ông Chris Turner, giám đốc toàn cầu phụ trách các thị trường tại ING, nhận xét trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN. “Chúng ta cần phải có các chính sách mạnh mẽ và đáng tin cậy. Mọi bước đi sai lầm trong chính sách đều sẽ phải trả giá”.

Theo các nhà phân tích, Chính phủ mới của Anh đã châm ngòi thêm cho “chiếc nồi áp suất” đó với các quyết định chính sách của mình.

Sau khi vấp phải sự chỉ trích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và những phát biểu trấn an của Bộ Tài chính và ngân hàng trung ương không xoa dịu được cơn hoảng loạn, BOE ngày 28/9 thông báo kế hoạch trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ Bảng (70 tỷ USD) trong vòng hơn hai tuần tới ngày 14/10.

Động thái này được đánh giá là biện pháp tình thế nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi gục ngã do kế hoạch kích thích tăng trưởng của Chính phủ mới.

“Mặc dù đây là động thái đáng hoan nghênh, nhưng việc nó được đưa ra ngay từ đầu cho thấy thị trường tài chính Anh đang ở trong tình thế nguy hiểm”, ông Paul Dales, nhà kinh tế trưởng Anh tại Capital Economics, bình luận về quyết định can thiệp của BOE.

Giải pháp tình thế khẩn cấp đó đã ngăn chặn được cơn hỗn loạn. Giá trái phiếu Anh lập tức phục hồi và đồng bảng Anh cũng bật tăng trở lại so với đồng USD trong ngày 28/9. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nhận định “vết thương” vẫn chưa được chữa lành - theo CNN.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: Getty Images
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: Getty Images

Đồng bảng Anh đầu phiên 29/8 giảm 1%, trở lại mức dưới 1,08 USD đổi một Bảng. Trái phiếu Chính phủ Anh tiếp tục chịu áp lực với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,16%. Chứng khoán Anh cũng sụt 2%.

“Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một vấn đề khác lại xuất hiện trên thị trường tài chính”, ông Dales phát biểu.

Giới phân tích nhận định những tuần tới là thời gian vô cùng quan trọng. Theo ông Mohamed El-Erian - từng nằm trong ban lãnh đạo quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới và hiện là cố vấn của hãng dịch vụ tài chính Allianz (ALIZF), BOE sẽ cần phải hành động nhanh chóng để khôi phục sự ổn định.

“Biện pháp khẩn cấp có cầm máu cho ‘vết thương’, nhưng tình trạng nhiễm trùng và chảy máu sẽ còn tồi tệ hơn nếu họ không tiếp tục hành động”, ông El-Erian nhận định với CNN.

Theo ông, BOE nên công bố ngay một đợt tăng lãi suất khẩn cấp với bước nhảy 1 điểm phần trăm trước cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 3/11 tới. Còn Chính phủ Anh nên hoãn ngay kế hoạch giảm thuế của mình.

“Hiện vẫn còn lối thoát, nhưng nếu họ đợi quá lâu thì lối thoát đó cũng dần đóng lại”, vị chuyên gia nhận định.

Lần đầu lên tiếng sau khi xảy ra cơn hỗn loạn trên thị trường, tân Thủ tướng Anh nói rằng nguyên nhân của việc này là sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và cú sốc giá năng lượng do cuộc chiến tranh ở Nga-Ukraine.

“Chúng tôi đã lập ra một kế hoạch đúng đắn”, bà Truss phát biểu trên một kênh phát thanh ngày 29/9.

CẦN TĂNG LÃI SUẤT KHẨN CẤP?

Tuy nhiên, các nhà đầu tư, các cựu lãnh đạo ngân hàng trung ương và nhiều nhà kinh tế hàng đầu đánh giá kế hoạch giảm thuế của Chính phủ Anh được đưa ra mà không có sự đánh giá độc lập của cơ quan giám sát ngân sách về những tác động dài hạn đối với nền kinh tế.

Ông Charlie Bean, cựu phó thống đốc BOE nhận định Chính phủ mới đã phạm sai lầm với các quyết định của mình. Còn ông Mark Carney, cựu thống đốc BOE, cho rằng các quyết định của Chính phủ là nguyên nhân gây ra cú sốc với hệ thống tài chính Anh trong tuần này.

“Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng kinh tế - cuộc khủng hoảng mà các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết nếu như họ lựa chọn làm vậy”, ông Carney nói với BBC.

Truyền thông Anh đã bắt đầu đồn đoán rằng bà Truss sẽ phải sa thải ông Kwarteng, một cộng sự thân cận của mình, nếu muốn giành lại thế chủ động và ngăn chặn tỷ lệ tín nhiệm dành cho mình xuống thấp thêm nữa.

“Mọi vấn đề mà Anh gặp phải hiện tại là do chính chúng ta gây ra. Chúng ta trông giống như những con bạc liều lĩnh chỉ quan tâm đến những người có khả năng chịu thua trong canh bạc”, một cựu Bộ trưởng thuộc Đảng Bảo thủ nói với CNN.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng bà Truss sẽ phải cố gắng vượt qua tình thế hiện tại mà không phải đảo ngược các chính sách đã công bố.

BOE đang đứng trước tình thế khó khăn - Ảnh: AP
BOE đang đứng trước tình thế khó khăn - Ảnh: AP

“Tân Thủ tướng Anh sẽ phải tránh hoãn hoặc hủy bỏ chương trình giảm thuế đã công bố bằng mọi giá bởi một động thái như vậy sẽ rất bẽ mặt và có thể khiến bà trông giống một thủ tướng thảm hại”, hai nhà phân tích Mujtaba Rahman và Jens Larson của hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định.

Giải pháp thay thế duy nhất còn lại để cân bằng ngân sách là cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh Anh đã bước vào thời kỳ suy thoái, các dịch vụ công đang chịu áp lực lớn, còn người lao động đang ra sức phản kháng và sẵn sàng đình công để đòi tăng lương.

“Bà Truss và ông Kwarteng đang đối mặt một cuộc cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Còn thị trường tài chính toàn cầu đang chờ đợi họ đưa ra những thay đổi về chính sách mà bản thân họ và Đảng Bảo thủ có thể không mong muốn”, các nhà phân tích của Eurasia nói.

Điều này đẩy BOE rơi vào thế khó. Một tuần trước, ngân hàng này đã nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, kể cả khi Chính phủ đang cố gắng kích thích tăng trưởng. Sang tuần này, nhiệm vụ đó càng trở nên khó khăn hơn. Giới phân tích nhận định BOE có thể lại sớm phải can thiệp và lần này là một đợt tăng lãi suất khẩn cấp.

“Quyết định can thiệp ngày 28/9 của BOE nhằm ổn định giá trái phiếu chính phủ, đảm bảo thanh quản thị trường trái phiếu và ngăn chặn bất ổn tài chính, nhưng điều này sẽ không ngăn đồng Bảng Anh tiếp tục giảm giá”, ông Bean, cựu phó thống đốc BOE, nhận xét. “Tôi cho rằng vẫn còn cơ hội để hành động trước cuộc họp tháng 11”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate