April 16, 2025 | 09:10 GMT+7

Chính sách thuế quan Mỹ khiến ngành làm đẹp rơi vào khủng hoảng

Quỳnh Chi -

Thuế quan cao đối với các nguồn nhập khẩu mỹ phẩm hàng đầu như Hàn Quốc và Pháp đang khiến các thương hiệu làm đẹp phải cân nhắc lại ngân sách...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông báo áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump với mức thuế hai con số đánh vào các trung tâm sản xuất mỹ phẩm như Hàn Quốc và Pháp, đã làm đảo lộn toàn bộ ngành công nghiệp này. Ngành mỹ phẩm Mỹ, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi các mức thuế đầy đủ bắt đầu có hiệu lực, với tất cả 5 đối tác thương mại hàng đầu đều bị áp mức thuế trên 20%. 

Hàn Quốc - quốc gia đã vượt qua Pháp để trở thành nguồn nhập khẩu mỹ phẩm lớn nhất của Mỹ vào năm ngoái - sẽ phải chịu mức thuế 25%, một đòn giáng mạnh vào thị trường mỹ phẩm đang phát triển mạnh mẽ. Mức thuế “cơ bản” 10% đầu tiên đã được áp dụng. 

Nếu các mức thuế vẫn giữ nguyên như hiện tại, tác động sẽ lan rộng khắp chuỗi cung ứng mỹ phẩm, kể cả đối với những sản phẩm được dán nhãn “sản xuất tại Mỹ”. Với các thương hiệu có nguồn cung từ những quốc gia bị áp mức thuế cao nhất - như Trung Quốc, nơi mức thuế 104% đã có hiệu lực - việc duy trì hoạt động sẽ là một thách thức thực sự.

MỸ PHẨM HÀN QUỐC BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ

Chiếm 22% tổng lượng mỹ phẩm nhập khẩu của Mỹ, Hàn Quốc được dự báo sẽ là quốc gia chịu tác động lớn nhất đối với ngành nếu các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu từ hôm nay không đạt được kết quả.

Chuỗi cung ứng mỹ phẩm đưa sản phẩm lên kệ của các nhà bán lẻ tại Mỹ vốn toàn cầu hóa và rất phức tạp. Hàn Quốc cùng các quốc gia xuất khẩu mỹ phẩm lớn khác như Pháp, Canada và Ý sở hữu hạ tầng sản xuất mà Mỹ không có hoặc không đủ khả năng đáp ứng.

Chính sách thuế quan Mỹ khiến ngành làm đẹp rơi vào khủng hoảng - Ảnh 1

Theo các chuyên gia, gần như tất cả các thương hiệu mỹ phẩm của Mỹ đều lấy bao bì từ Trung Quốc. Và dù một số sản phẩm như chăm sóc da có thể được sản xuất đại trà tại Mỹ, thì những mặt hàng mang tính kỹ thuật cao hơn - như chì kẻ môi dạng gel, bút kẻ mắt mực hoặc phấn má siêu mịn - thường được sản xuất ở nước ngoài.

“Các nhà sản xuất phải thay đổi mô hình kinh doanh nếu muốn tích hợp sản xuất nhiều sản phẩm trang điểm như chì kẻ mắt, bút kẻ mắt dạng nước, v.v. Những thứ đó gần như không được làm ở đây”, chuyên gia hóa mỹ phẩm kiêm influencer ngành làm đẹp Javon Ford chia sẻ. Với các thương hiệu lớn, “do họ sản xuất ở quy mô lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến, hầu hết thương hiệu đều đặt nhà máy tại Hàn Quốc”.

Mức thuế hiện tại vẫn chưa đủ để khiến sản xuất tại Mỹ trở nên cạnh tranh về giá. Theo Stacey Tank, CEO của Bespoke Beauty Brands – công ty mẹ của Kimchi Chic Beauty, thương hiệu hiện đang nhập khẩu sản phẩm từ Hàn Quốc và một số quốc gia khác – thì giá thành sản phẩm của Kimchi Chic Beauty được sản xuất tại Hàn Quốc sẽ “cao gấp bốn đến tám lần” nếu sản xuất tại Mỹ.

Chính sách thuế quan Mỹ khiến ngành làm đẹp rơi vào khủng hoảng - Ảnh 2

Điều này còn chưa tính đến thời gian và vốn đầu tư cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất cho các sản phẩm cụ thể. Việc tạo ra năng lực sản xuất mỹ phẩm đạt trình độ như Hàn Quốc sẽ đòi hỏi “hàng trăm triệu USD” và ít nhất từ hai đến bốn năm, bà Stacey Tank cho biết.

Liah Yoo - nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Krave Beauty, vốn cũng sản xuất tại Hàn Quốc – đã đăng tải trên Instagram rằng thương hiệu này sẽ phải tăng giá sản phẩm, bởi lô hàng tiếp theo từ Hàn Quốc sẽ chịu mức thuế 25%. “Điều này sẽ thay đổi gần như tất cả mọi thứ,” cô nói, dự đoán rằng mỹ phẩm Hàn Quốc sẽ không còn được coi là lựa chọn vừa túi tiền cho người tiêu dùng nữa.

VƯỢT QUA HỖN LOẠN

Với khả năng nhà máy sản xuất vẫn tiếp tục đặt ở nước ngoài do nhiều hạn chế về mặt nguyên liệu và kỹ thuật, những lời hứa của Tổng thống Donald Trump về việc tạo thêm việc làm trong ngành sản xuất tại Mỹ có lẽ sẽ khó mà trở thành hiện thực trong thời gian gần, ít nhất là trong ngành mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm buộc phải thắt chặt ngân sách và duy trì lợi nhuận.

Các giám đốc điều hành và chuyên gia cho biết, việc cắt giảm có thể xảy ra ở các hạng mục như đối tác, không gian kho hàng, hoặc lựa chọn công thức sản phẩm có nguyên liệu rẻ hơn và chứa nhiều thành phần phụ hơn để giữ giá thành thấp. Các thương hiệu mỹ phẩm cũng đã bắt đầu đàm phán với các nhà bán lẻ và nhà cung cấp, hy vọng họ sẽ chia sẻ một phần gánh nặng chi phí mới phát sinh.

Chính sách thuế quan Mỹ khiến ngành làm đẹp rơi vào khủng hoảng - Ảnh 3

Mặc dù chiến lược tiết kiệm có thể khác nhau, nhưng một điều mà các chuyên gia đều đồng tình là: việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi.

“Dù chiến lược ra sao, cuối cùng người tiêu dùng vẫn là người phải trả cho những khoản tăng đó. Không ai chịu cắt giảm biên lợi nhuận của mình cả,” David Chung, nhà sáng lập thương hiệu chăm sóc da Farmacy và công ty sản xuất mỹ phẩm iLabs – đơn vị phụ trách sản xuất tại cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ cho hơn 50 thương hiệu – cho biết. Ông ước tính giá bán có thể sẽ tăng trung bình ít nhất từ 10 đến 15% trên nhiều phân khúc.

Tờ Washington Postgần đây công bố danh sách 8 sản phẩm có nhu cầu tăng cao tại Mỹ, dựa trên xu hướng từ mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến. Kem chống nắng Hàn Quốc lọt vào danh sách này nhờ một số tính năng vượt trội so với kem chống nắng Mỹ, như khả năng ngăn chặn tia UV, kết cấu dễ chịu và dễ dàng tệp vào lớp trang điểm cùng nhiều loại mỹ phẩm khác.

Nhiều người Mỹ lo ngại giá cả tăng cao vì thuế nhập khẩu đã bắt đầu tích trữ kem chống nắng từ Hàn Quốc. Một người dùng Reddit cho biết cô đã mua đủ lượng kem chống nắng Hàn Quốc cho một năm: "Tôi thực sự không thể dùng kem chống nắng của Mỹ nữa".

Christina Im, chủ sở hữu công ty phân phối mỹ phẩm Olive Kollection, đã tích trữ khoảng 40.000 USD sản phẩm từ các nhà phân phối sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng hôm 2/4. Hiện tại, kho hàng của Olive Kollection chất đầy các mẫu sản phẩm."Là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi không có sẵn tiền để mua mọi thứ với số lượng lớn", bà Im chia sẻ. "Chúng tôi mua nhiều nhất có thể trong khả năng và chờ đợi thêm".

Chính sách thuế quan Mỹ khiến ngành làm đẹp rơi vào khủng hoảng - Ảnh 4

Một số thương hiệu hiện đang chọn cách tiếp cận “chờ và quan sát” trong lúc các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuế quan bắt đầu tiến hành đàm phán. Giữa bối cảnh ngành công nghiệp đang bị bao trùm bởi mức độ bất ổn chưa từng có, các thương hiệu hiện chỉ có thể đối phó với khủng hoảng từng ngày một.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate