November 12, 2008 | 16:19 GMT+7

Chính sách tiền tệ đã “phanh” quá gấp?

Minh Đức

Câu hỏi này trở thành điểm nóng trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại nghị trường sáng nay (12/11) - Ảnh: Việt Tuấn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại nghị trường sáng nay (12/11) - Ảnh: Việt Tuấn.
Câu hỏi này trở thành điểm nóng trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chỉ trong một thời gian ngắn đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước triển khai loạt chính sách mới, theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ. Từ tháng 2 đến tháng 3, qua quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, một lượng tiền lớn được rút khỏi lưu thông (theo tính toán của một số công ty chứng khoán, lượng tiền đó ước khoảng 40.000 - 60.000 tỷ đồng).

Phía sau những quyết định trên, lãi suất ngân hàng biến động mạnh, tăng cao, nguồn vốn các ngân hàng khó khăn gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp vay vốn, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến thời điểm này, nhiều trường hợp đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Vấn đề trên được các đại biểu Quốc hội đặt ra chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại nghị trường sáng nay (12/11). Điểm chung là sự ủng hộ hướng thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, nhưng thực hiện quá gấp, quá chặt là vấn đề mà các đại biểu yêu cầu phải nhìn lại.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), việc thắt quá chặt, bất ngờ và kéo dài trong những tháng đầu năm như một cú “phanh gấp” và khiến các doanh nghiệp bị “sốc”. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có sự nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng. Tuy nhiên việc khôi phục hoạt động của nhiều doanh nghiệp bình thường trở lại không dễ dàng, khi mà tiếp cận các nguồn vốn tín dụng vẫn còn khó khăn.

Còn theo vấn đề đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) băn khoăn, “liệu khi ban hành văn bản với liều lượng với thời gian gấp rút như thế thì Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc có tiên lượng trước được vấn đề là sẽ ảnh hướng cực lớn dẫn đến sự phá sản cũng như đình trệ sản xuất của nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không?”.

Theo ý trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ không phải thắt chặt, “phanh” gấp trong năm 2008 mà đã được thực hiện và có tín hiệu trong năm 2007. Cụ thể, từ ngày 28/5/2007, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được tăng từ 5% lên 10%; đến 16/1/2008 mới tiếp tục tăng 1%. Mặt khác, giữa thời điểm ban hành và thực hiện đều có độ trễ để các ngân hàng chuẩn bị.

“Đối với các tổ chức tín dụng, việc làm này chúng tôi cũng có trao đổi và cũng đưa ra những tín hiệu. Cụ thể, chúng tôi có ban hành Chỉ thị số 06 ngày 2/11/2007, đến 16/1 chúng tôi mới công bố nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc”, Thống đốc giải thích.

Về việc phát hành tín phiếu bắt buộc, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng trong thời gian 1 tháng để các ngân hàng chuẩn bị là quá gấp, buộc họ phải chạy đua đẩy lãi suất huy động lên cao để gom đủ vốn, theo đó không còn nguồn vốn cho doanh nghiệp vay hoặc cho vay lãi suất quá cao (23% - 24%/năm), dẫn đến sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Trả lời ý kiến trên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc phát hành tín phiếu cũng đã cho một khoảng thời gian 1 tháng để các tổ chức tín dụng chuẩn bị. Mặt khác, với những dữ liệu ông đưa ra, con số 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, cũng như lượng tiền rút bớt từ tăng dự trữ bắt buộc, khá khiêm tốn so với lượng vốn mà các ngân hàng giải ngân mạnh những tháng trước đó. Và từ đó, Thống đốc gián tiếp trả lời chính sách tiền tệ có quá mạnh tay hay không.

Cụ thể, trong các tháng 11, 12 năm 2007 và tháng 1/2008, tăng trưởng tín dụng chung là 18%, tức mỗi tháng 6%, đồng nghĩa với tăng trưởng tín dụng là 60.000 tỷ đồng. Còn với quyết định nâng dự trữ bắt buộc thêm 1%, các ngân hàng có 45 ngày chuẩn bị, và thực hiện trong tháng 2 thì thu về khoảng 15.000 tỷ đồng.

Và với tình hình lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước quyết định không nâng thêm dự trữ bắt buộc, bởi lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc thấp (1,2%/năm), sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí đầu vào của các ngân hàng, ảnh hưởng đến đầu ra. Theo đó, việc phát hành tín phiếu được xác định và có lãi suất cao hơn mức lãi suất tín phiếu thông thường.

“Tôi cho rằng các giải pháp, các bước đi đều có lộ trình. Còn việc điều hành như thế, các doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta chống lạm phát trong điều kiện thực hiện 8 nhóm giải pháp cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, chúng ta đã nói rất rõ”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Do thời lượng chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp có hạn (40 phút), một số câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước có lường trước những khó khăn đối với doanh nghiệp khi đưa ra các chính sách trên, nếu có sẽ chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm thế nào… vẫn chưa được trả lời. Đáng chú ý là đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đã có văn bản chất vấn gửi Thống đốc hơn 10 ngày qua những vẫn chưa được trả lời.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate