Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam tăng 6,7% trong quý 4/2023, mức tăng trưởng quý 4 cao nhất kể từ năm 2019, đưa tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,05%. Dù vẫn thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra, song vẫn là một trong những quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới...
THỰC THI CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ NỚI LỎNG
“Việc giữ mức tăng trưởng trên 5% là rất ấn tượng, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây là tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, hay Malaysia”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá.
Từ cuối năm 2022, Chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm.
Đầu năm 2023, hàng loạt chính sách về giãn, hoãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ được ban hành; Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh quy định cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực thanh khoản trên thị trường trái phiếu.
Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023 với mức giảm từ 50-200 điểm cơ bản. Từ đó, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động và cho vay xuống mức thấp nhất trong 20 năm (theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú).
Cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh chính sách tài khóa như một số biện pháp chính bao gồm: kế hoạch đầu tư công năm 2023 trị giá 727 nghìn tỷ đồng tăng 38% so với kế hoạch năm 2022, hoãn thuế và phí tối đa sáu tháng, giảm 36 loại phí trong nửa cuối năm 2023, giảm 2% thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) cho nhiều ngành trong nửa cuối năm 2023 - nửa đầu năm 2024, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024, cùng nhiều biện pháp khác.
Những diễn biến về chính sách tài khóa và tiền tệ này đã giúp bù đắp tác động tiêu cực của nhu cầu toàn cầu yếu đối với nền kinh tế trong năm 2023 và dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có sự cải thiện rõ ràng trong nhu cầu nội địa, phần lớn là nhờ sự can thiệp về chính sách, trong đó phải kể đến việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Chính sách tài khóa sẽ được tăng cường hơn nữa và chi tiêu vào cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Lạm phát dần ổn định sẽ giúp cho người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Đây chính là điểm khác biệt của HSBC, khi so sánh với những dự báo của các tổ chức quốc tế, bởi chúng tôi tin vào sự bền vững từ nhu cầu trong nước của Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi dự báo, tăng trưởng của Viêt Nam năm 2024 sẽ đạt 6,3%”, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối nghiên cứu kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, nhận định.
DUY TRÌ MẶT BẰNG LÃI SUẤT HỢP LÝ, TĂNG CƯỜNG VỐN TÍN DỤNG
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, thể hiện quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại.
“Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, bám sát các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một chương trình hành động ngành ngân hàng năm 2024”, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói.
Bà Hằng chia sẻ một số trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ như sau.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, các cân đối lớn của nền kinh tế như lạm phát điều hành công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hiệu quả, hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp theo diễn biến thị trường và khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; ứng dụng công nghệ trong các quy trình cấp tín dụng để rút ngắn quy trình cho vay cũng như giảm các chi phí hoạt động; từ đó tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Thứ ba, đảm bảo tỷ giá ổn định, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, các giao dịch được thông suốt.
“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15 % từ đầu năm. Mục tiêu này cũng có điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến của thị trường. Chúng tôi cũng liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung cho vay những lĩnh vực sản xuất sẽ tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế; mở rộng tín dụng cho tiêu dùng để giảm bớt tín dụng đen”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.
Theo bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital, trong năm 2024, những áp lực với chính sách tiền tệ sẽ giảm dần và hiệu ứng chính sách được phản ánh rõ nét hơn, đặc biệt trong nửa cuối năm. “Tháng 12/2023, lần đầu tiên số lượng ngân hàng trung ương điều chỉnh giảm lãi suất lớn hơn tăng lãi suất. Như vậy, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã đồng pha với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Đây là điều kiện rất quan trọng để các dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam”, bà Minh nói.
Cùng với chính sách tiền tệ, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa tiêu dùng và đầu tư thông qua chính sách tài khóa.
“Việt Nam cần tiếp tục gia hạn thêm các chính sách tài khóa, đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn”, vị chuyên gia WorldBank nói.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2024 phát hành ngày 15-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam