Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” đã đặt mục tiêu nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu này được thực hiện thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, và doanh nghiệp.
Nhiều chính sách đã được ban hành để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Các biện pháp bao gồm gắn nhiệm vụ khoa học và công nghệ với sản phẩm đầu ra, thực tiễn và thị trường; trao quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ; và khuyến khích thành lập viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hiện nay, các kênh tài chính hỗ trợ nghiên cứu đã được hình thành thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về khoa học và công nghệ.
DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN, LÚNG TÚNG KHI MUỐN TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Chia sẻ tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững" mới đây, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông chính sách.
Bà Nga kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông...
Bà Nguyễn Thy Nga cũng cho rằng hiện nay các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. “Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, bởi không biết làm theo bộ, ngành nào”, bà Nguyễn Thy Nga nói.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai đổi mới sáng tạo vừa nhiều, vừa thiếu. Nhiều là vì lẻ tẻ, phân tán ở nhiều lĩnh vực, do các bộ, ngành, địa phương khác nhau quản lý, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong nhận diện các chính sách này để tận dụng. Nhưng thiếu là thiếu hệ thống cơ chế, chính sách có sự liên kết mang tính tập trung, có hệ thống bài bản để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi.
“Doanh nghiệp đang bơi trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng biết cách nào để nhận được sự hỗ trợ này. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng bị đứt gãy, do tình trạng cát cứ thông tin của các bộ, ngành”, bà Nguyễn Thy Nga nói.
CHỦ ĐỘNG BẮT NHỊP, “VỪA LÀM VỪA CHẠY”, KHÔNG THỂ NGỒI CHỜ THỂ CHẾ HOÀN THIỆN
Chia sẻ về các định hướng, giải pháp đổi mới sáng tạo quốc tia trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết qua quan sát việc hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, “chúng tôi nhận thấy các địa phương và bộ ngành dường như đang quá chú trọng vào các chương trình cụ thể, vì thế chiến lược bị phân mảnh, thiếu một tầm nhìn toàn diện và sự kết hợp với các xu thế vĩ mô”.
Theo ý kiến của đại diện doanh nghiệp, ông Vương Đình Vũ, Giám đốc BuyMed, nhân tố chính sách và tiếp cận chính sách cũng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo. Do không tiếp cận chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nên khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển.
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Thịnh đã đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi, trong đó, cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước và thế mạnh của Việt Nam hoặc từng địa phương, từng doanh nghiệp (hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực…) để lựa chọn con đường thực hiện ĐMST.
Theo Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, để khắc phục hạn chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp.
Thứ nhất, tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới.
Thứ hai, các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thứ ba, muốn đổi mới sáng tạo thành công, cần tập trung vào 3 vấn đề, gồm: Tăng năng suất lao động, tăng nguồn thu, tăng nhận diện thương hiệu.
Trong vài trò điều phối Diễn đàn, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng đổi mới sáng tạo là một yếu tố mật thiết với doanh nghiệp - những đơn vị tạo ra giá trị cho nền kinh tế và xã hội. Hiện nay, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu thế tất yếu. Nếu Việt Nam không nắm bắt cơ hội này sẽ không theo kịp với nhịp độ phát triển của toàn cầu.
“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động bắt nhịp xu thế và thành công trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, đây là cuộc cách mạng về thể chế, chính sách, nên rất nhiều vấn đề đặt ra. Vì vậy, cần vừa làm vừa chạy, không thể ngồi chờ thể chế hoàn thiện”, Tiến sỹ Võ Trí Thành nói.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, về mặt quản trị nhà nước và doanh nghiệp, có những “từ khóa” rất quan trọng như tốc độ, linh hoạt, thí điểm, học hỏi. Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, "xu thế không chờ chính sách”.