Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào ngày 16/9 cho biết nước này đã chính thức nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Vương đã trình bày đơn đăng ký tham gia hiệp định với người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và điện đàm để thảo luận về quy trình sắp tới, theo Nikkei Asia.
CPTPP hiện có 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trong đó, New Zealand phụ trách các nhiệm vụ hành chính của hiệp định, như yêu cầu gia nhập của các nước bên ngoài.
Trong bài phát biểu được phát qua video tại thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh “đang cân nhắc” việc gia nhập CPTPP.
Ngoài CPTPP, Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và đang thúc đẩy để đạt mục tiêu bắt đầu hiệp định này vào ngày 1/1/2022. RCEP được coi là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới được ký kết vào tháng 11/2020 với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Việc thúc đẩy RCEP cùng với việc đăng ký gia nhập CPTPP nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng sức ảnh hưởng về kinh tế của mình đối với trật tự toàn cầu.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc gia nhập hiệp định này của Trung Quốc có thể bị cản trở bởi những xung đột về thương mại với Australia. Để được gia nhập hiệp định, Trung Quốc phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 11 thành viên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải thực hiện một thay đổi về chính sách trong nước mới đủ điều kiện gia nhập hiệp định. CPTPP cấm những hành vi như trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, gây cản trở cạnh tranh công bằng. Theo một số nhà phân tích, chính phủ của ông Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố khu vực kinh tế nhà nước, do đó việc đàm phán gia nhập hiệp định có thể bị cản trở ngay từ những bước đầu tiên.
"Khi vai trò của nhà nước ngày càng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh dường như vượt xa khỏi những quy tắc dựa trên thị trường tiêu chuẩn cao của CPTPP”, bà Wendy Cutler, cựu Quyền Phó Đại diện thương mại Mỹ (USTR), nhận định với Nikkei Asia.
Bà Cutler, hiện là Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, từng tham gia các cuộc đàm phán của Mỹ để gia nhập CPTPP dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, năm 2017, khi lên làm Tổng thống, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định này.
“Các ứng viên muốn gia nhập phải chứng minh rằng họ sẵn sàng tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn cao hiện tại của CPTPP, cũng như sẵn sàng thực hiện các cam kết mở cửa thị trường một cách toàn diện”, bà Cutler cho biết. "Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một điểm nữa cho thấy vì sao Mỹ cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự can dự trong lĩnh vực kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề thương mại”.
CPTPP hiện có ba nguyên tắc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc phân phối dữ liệu, trong đó có quy định cấm việc yêu cầu các doanh nghiệp tiết lộ mã nguồn. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, nhiều công ty đã bị buộc phải tiết lộ công nghệ để có được giấy phép.
Luật an ninh dữ liệu mới có hiệu lực từ tháng này của Trung Quốc, trong đó cấm đưa dữ liệu ra khỏi đất nước, cũng vấp phải sự phản đối của các nước thành viên CPTPP.
Bên cạnh đó, CPTPP cũng kêu gọi chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội trong hoạt động mua sắm của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn “mua hàng Trung Quốc” khi triển khai mua sắm với một số sản phẩm nhất định. Do đó, con đường để trở thành thành viên CPTPP của Trung Quốc có thể sẽ nhiều “chông gai” nếu nước này tiếp tục ưu tiên lợi ích của mình.
Đơn xin gia nhập hiệp định của Trung Quốc được nộp lên một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập một nhóm mới về quốc phòng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tên AUKUS nhằm chống lại Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP và đang bắt đầu quy trình đàm phán.