Thống kê từ VnEconomy cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2024, dư nợ margin trên 70 công ty chứng khoán theo dõi ước tính hơn 235.000 tỷ đồng, con số này tăng mạnh so với 227 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 2/2024 và cũng là kỷ lục cho vay margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều ghi nhận cho vay margin tăng. Đơn cử như tại TCBS, dư nợ margin cuối kỳ đạt 25.483 tỷ đồng tăng 790 tỷ so với thời điểm cuối quý 2/2024. Chứng khoán Mirae Asset có dư nợ margin tăng mạnh nhất nhì thị trường, từ 16.746 tỷ đồng cuối quý 2 lên 19.291 tỷ đồng cuối quý 3.
Chứng khoán Vietcap cũng đẩy mạnh cho vay tăng từ 7.900 tỷ đồng lên 10.111 tỷ đồng. Nhiều công ty chứng khoán lớn khác cũng tăng cho vay margin như HSC, VPS, Yuanta, VIX, Chứng khoán Rồng Việt, KIS, FPTS, VCBS, DNSE, SHS, Kafi. Dư nợ cho vay margin còn ghi nhận đột biến ở Chứng khoán LPBank từ 504 tỷ đồng quý 2 lên 3.004 tỷ đồng cuối quý 3.
Mặc dù cho vay margin tăng tuy nhiên tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu ở các công ty chứng khoán trên vẫn ở ngưỡng an toàn, dưới 2 lần. Tại TCBS, dư nợ margin/vốn chủ sở hữu 0,99 lần. Tỷ lệ này ở Vietcap là 1,16 lần; LPBankS là 0,76 lần; VPS 1,15 lần; VIX tỷ lệ cho vay quá thấp dưới ngưỡng quy định đạt 0,26 lần. Trong khi đó Mirae Asset vượt tỷ lệ là 2,05 lần, HSC 1,9 lần.
Điều này cho thấy dư địa đẩy mạnh nghiệp vụ cho vay margin vẫn còn khá nhiều nếu chỉ xét trên quy mô vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc đáp ứng tỷ lệ dư nợ margin/tổng vốn chủ sở hữu chỉ là điều kiện cần và điều kiện đủ để công ty chứng khoán có thể đẩy mạnh mảng cho vay margin đó là phải còn nguồn để cho vay.
Theo báo cáo tài chính, nguồn vốn chủ của công ty chứng khoán cũng được phân bổ khá nhiều vào các mảng kinh doanh khác, trong đó có hoạt động Tự doanh như cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá…
Ở chiều ngược lại, một số công ty chứng khoán ghi nhận dư nợ cho vay margin giảm như SSI, VnDirect, Maybank, BVSC, Pintree, MBS.
Margin tăng cao trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức thấp. Tổng mức thanh khoản bình quân từ 3 sàn giao dịch sụt giảm trong quý 3/2024, đạt bình quân 18.561 tỷ đồng/phiên, giảm 26,5% so với quý 2/2024.
Tỷ lệ dư nợ margin/Giá trị giao dịch bình quân nhích lên mức 18 lần chủ yếu do thanh khoản giảm mạnh trong quý 3 không đồng pha với diễn biến về dư nợ cho vay margin.
Đáng lưu ý, không phải đến bây giờ mà từ những quý trước đó, margin liên tiếp lập kỷ lục. Bình luận về con số margin trên thị trường, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta cho rằng đây không phải là điều đáng lo ngại cho thị trường. Như đã từng nhận định, margin thậm chí còn lên cao nữa chứ không chỉ thấp ở mức này, còn lập kỷ lục nữa nhưng thực chất lành.
Trong bối cảnh thanh khoản thấp margin tăng thì chủ yếu do tập trung cho vay deal tăng lên ở các công ty chứng khoán, đây là nguồn cho vay chính. Mặc dù có rủi ro nhưng không giống với giai đoạn năm 2022. Ở thời điểm đó các công ty chứng khoán cho vay deal lớn ở nhóm bất động sản, nhóm này chiếm khoảng 40-50% trên tổng số dư nợ toàn thị trường nên khi xảy ra tình trạng call margin, forse sell tạo hiệu ứng domino.
"Tập trung cho vay deal nhìn chung sẽ có rủi ro hơn, và nếu có thì sẽ là nỗi đau kéo dài nhưng ở thời điểm hiện tại margin không ở nhóm bất động sản mà chủ yếu là cho vay nhóm ngân hàng chiếm khoảng 55-60%, bên cạnh đó là nhóm thực phẩm. Tuy nhiên, dòng bank hiện tại không phải điều đáng ngại. Số còn lại là cho vay phục vụ trading hàng ngày, thực tế cho thấy VN30 thời gian qua cũng tăng chứng tỏ margin cũng chảy vào nhóm vốn hóa lớn", ông Minh nhấn mạnh.
Sự phân hóa cho vay margin tại các công ty chứng khoán cho thấy cuộc đua hạ lãi suất cho vay ở các công ty chứng khoán chưa dừng lại. Với nhóm công ty chứng khoán vốn nước ngoài đơn cử như Yuanta, nhờ lợi thế nguồn tiền rẻ hơn nên có dư địa giảm lãi suất, nhu cầu sẽ chảy về các công ty chứng khoán như vậy. "Nhà đầu tư cá nhân có thể không để ý nhiều đến lãi suất nhưng với cổ đông khách hàng lớn thì margin ở đâu hấp dẫn họ sẽ dịch chuyển", ông Minh nhấn mạnh.