August 05, 2024 | 15:44 GMT+7

Choáng váng gần 130 mã giảm sàn, VN-Index xuống đáy 4 tháng

Kim Phong -

Cơn rúng động từ thị trường chứng khoán quốc tế đã thúc đẩy hành động bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán Việt Nam chiều nay. Hơn 1 tỷ cổ phiếu sang tay chỉ qua khớp lệnh trên 2 sàn và VN-Index bốc hơi 3,92% (-48,53 điểm), về sát đáy tháng 4/2024. Biên độ giảm hôm nay cũng là kỷ lục của năm, chỉ đứng sau phiên rơi tự do 4,7% hôm 15/4/2024...

VN-Index đã quay lại sát đáy tháng 4/2024.
VN-Index đã quay lại sát đáy tháng 4/2024.

Cơn rúng động từ thị trường chứng khoán quốc tế đã thúc đẩy hành động bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán Việt Nam chiều nay. Hơn 1 tỷ cổ phiếu sang tay chỉ qua khớp lệnh trên 2 sàn và VN-Index bốc hơi 3,92% (-48,53 điểm), về sát đáy tháng 4/2024. Biên độ giảm hôm nay cũng là kỷ lục của năm, chỉ đứng sau phiên rơi tự do 4,7% hôm 15/4/2024.

Vì sao thị trường lại hoảng hốt như vậy ngay sau khi các chỉ số vĩ mô đẹp của tháng 7 được công bố và loạt báo cáo lợi nhuận quý 2 khả quan? Thực ra đợt bán tháo này không hẳn xuất phát từ nội tại, mà chịu tác động tâm lý bên ngoài: Chứng khoán toàn cầu sụt giảm chóng mặt cộng với thông tin dày đặc về tình hình “căng như dây đàn” tại Trung Đông. Thị trường đang bị áp lực thông tin quá bất lợi.

Liên tiếp các phiên sụt giảm giá mạnh đã đẩy cả loạt cổ phiếu vào trạng thái thua lỗ lớn và nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy thì sức ép giải chấp chắc chắn xuất hiện. Áp lực bán cực mạnh chiều nay đã khiến VN-Index bẻ gãy ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1200 điểm, xuống 1188,07 điểm, tức là ngay sát mức đáy của chỉ số hồi tháng 4 vừa qua (đóng cửa thấp nhất 1174,85 điểm).

Thanh khoản sàn HoSE phiên chiều tăng gần gấp đôi buổi sáng, đạt 15.488 tỷ đồng, mức cao nhất 13 phiên. Buổi sáng sàn này mới có 5 mã giảm hết biên độ, đóng cửa chiều nay là 91 mã. Nếu tính chung cả 3 sàn thì tới 127 cổ phiếu giảm sàn. Phiên ngày 15/4 vừa qua VN-Index có 111 mã giảm sàn.

Độ rộng sàn HoSE lúc đóng cửa cực xấu với 24 mã tăng/448 mã giảm. Dù hôm nay điểm số mất ít hơn hôm 15/4, số mã giảm sàn cũng ít hơn, nhưng tương quan độ rộng lại tệ hơn nhiều khi cứ 1 cổ phiếu giảm giá chỉ có 0,07 cổ phiếu tăng, tỷ lệ này hôm 15/4 còn là 1:0,09.

Cổ phiếu thanh khoản càng lớn giá giảm càng sâu, xác nhận áp lực bán tháo.
Cổ phiếu thanh khoản càng lớn giá giảm càng sâu, xác nhận áp lực bán tháo.

Áp lực bán tháo hôm nay là cực mạnh. Trong 91 cổ phiếu giảm sàn ở HoSE, có 10 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng. Sàn này cũng có tổng cộng 202 cổ phiếu giảm quá 4% (VN-Index giảm 3,92%), tương đương gần 54% số cổ phiếu có giao dịch hôm nay. Chưa hết, nhóm giảm sâu nhất này chiếm 63,3% tổng giá trị khớp của sàn.

VN30-Index đóng cửa giảm 3,82% giá trị và không còn mã nào xanh, GVR sàn. Top 10 vốn hóa chứng kiến loạt mã giảm sâu: BID giảm 3,46%, GAS giảm 3,04%, FPT giảm 3,73%, HPG giảm 4,77%, CTG giảm 4,44%, TCB giảm 5,11%, VHM giảm 4,17%. Cổ phiếu giảm nhẹ nhất rổ VN30 là VIC cũng mất 1,67% và một nửa rổ (15 mã) giảm mạnh hơn chỉ số đại diện.

Nhóm tổn thương nhiều nhất vẫn là các cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa nhỏ đã bị đẩy giá lên quá lố vừa rồi. 90 cổ phiếu giảm sàn thuộc về các nhóm vừa và nhỏ, chỉ số Midcap chốt phiên giảm 5,04%, Smallcap giảm 4,62%. Danh sách cổ phiếu bị bán tháo quá dài, các mã có thanh khoản cao nhất ở giá sàn là VND với 237,8 tỷ đồng, PC1 với 208,7 tỷ, PVD với 199,8 tỷ, NKG với 186,4 tỷ, HDG với 165,7 tỷ, DXG với 141,6 tỷ, HVN với 138,4 tỷ, CTD với 105,3 tỷ, AAA với 101,6 tỷ.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay vẫn tiếp tục bán ròng dù có mua tốt hơn. Cụ thể, khối này giải ngân mới khoảng 1.317 tỷ đồng, tăng gấp đôi buổi sáng nhưng bán ra cũng tăng 40% với 1.566,6 tỷ. Mức bán ròng do đó vẫn đạt 249,6 tỷ đồng, nhẹ hơn buổi sáng với 481,3 tỷ. Tổng giao dịch bán ra của khối ngoại trên HOSE hôm nay chỉ chiếm 11,4% tổng giao dịch của sàn. Như vậy áp lực tháo chạy chính vẫn là của nhà đầu tư trong nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate