Một đợt bán tháo khổng lồ đã xuất hiện, thị trường rơi cực sâu trong phiên chiều dưới áp lực xả dữ dội hơn cả buổi sáng. Tới 159 cổ phiếu giảm sàn trên HoSE và tính chung 3 sàn là gần 270 mã. Phiên giảm sốc tương đương mức này là ngày 13/5/2022 khi VN-Index cũng bốc hơi 56,07 điểm. Hôm nay chỉ số giảm 55,49 điểm tương đương -4,5%.
Với nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường trong năm nay, hôm nay có thể là một phiên giảm sốc chưa từng được chứng kiến. Tuy nhiên những ngày rơi tự do như thế này cũng không có gì quá lạ. Khối lượng cổ phiếu tích lũy quá lớn, margin quá nhiều và khi giá giảm mạnh đột ngột thì thường phải xử lý.
Tính riêng phiên chiều, HoSE và HNX đạt thanh khoản tới 23.665 tỷ đồng, tăng 49% so với phiên sáng. Áp lực bán khổng lồ này đã đẩy giá cổ phiếu giảm cực sâu, hàng trăm mã giảm sàn. Điều này nghĩa là những nhà đầu tư cầm cổ đã chọn giải pháp thoát ra bằng mọi giá.
VN-Index đóng cửa giảm 4,5%, tương đương với những phiên giảm sốc trong quý 2/2022, thời điểm thị trường bắt đầu lao dốc sau khi đạt đỉnh cao lịch sử. Tổng thanh khoản 3 sàn bao gồm cả thỏa thuận đạt 42.144 tỷ đồng. Trong đó, riêng khớp lệnh HoSE và HNX đạt 39.651 tỷ đồng, mức cao kỷ lục kể từ phiên ngày 10/1/2021 với hơn 44.000 tỷ đồng.
VN30-Index chốt phiên giảm 4.63% với duy nhất VCB còn tăng nhẹ 0,11%, còn lại 29 mã giảm, trong đó 7 mã giảm sàn, 14 mã khác giảm trên 4%. Số giảm chỉ có 3 mã giảm dưới 2% là VNM, FPT và SAB.
Nhóm blue-chips giảm sàn có mặt VIC, VHM, VPB, MWG, GVR, SHB và POW, trong đó duy nhất POW còn dư mua giá sàn. Các trụ giảm quá sâu khiến VN-Index xác lập phiên giảm điểm kỷ lục.
Thực ra VIC đã giảm sàn từ sớm ngay đầu phiên chiều, nền đà giảm chiều nay là kết quả của sự hoảng loạn nói chung. VHM đến khoảng 2h07 bắt đầu chạm tới giá sàn. Các cổ phiếu khác cũng suy yếu dần dưới áp lực bán càng lúc càng mạnh. Rõ ràng là điểm số mất nhiều đã có ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung, nhưng một phần là do biên độ lợi nhuận vẫn còn khá tốt kể cả khi bán giá sàn, nên nhà đầu tư chấp nhận.
Cho đến trước khi cổ phiếu VIC quay đầu, VN-Index trong tháng 8 tăng 1,66% thì chỉ một phiên giảm hôm nay thậm chí bay sạch thành quả của mức tăng từ giữa tháng 7. Mức thanh khoản cực lớn hôm nay cũng là hệ quả của hơn nửa tháng trời nay giao dịch mỗi phiên trung bình tới trên 23 ngàn tỷ đồng. Không rõ bao nhiêu trong mức thanh khoản kỷ lục này là sử dụng đòn bẩy, nhưng chắc chắn đã có một lượng lớn tiền đang nằm trong thị trường. Hôm nay nhu cầu rút tiền về đã tạo hiệu ứng cộng hưởng bán ra dữ dội.
Với hàng trăm cổ phiếu mất thanh khoản giá sàn, việc tháo chạy đã kết thúc hay chưa cần phải chờ đợi kiểm chứng thêm trong các phiên tới. Một điều rõ ràng là thanh khoản hôm nay tuy cao, nhưng cũng chưa bằng mức độ tích lũy của những phiên tạo đỉnh từ đầu tháng 8. Mặt khác, giá biến động quá mạnh và đột ngột nên việc cắt giảm đòn bẩy có thể chưa đến mức phải giải chấp ngay chiều nay.
Nhà đầu tư nước ngoài đi ngược dòng chiều nay khi mua vào thêm 1.725 tỷ đồng trên sàn HoSE và chỉ bán ra 1.224 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 501 tỷ. Phiên sáng khối ngoại bán ròng nhẹ 69,2 tỷ. Các cổ phiếu được bắt đáy nhiều là VNM +188 tỷ đồng ròng, CTG +156 tỷ, VHM +146,5 tỷ, VRE +103,5 tỷ, VCB +71,3 tỷ, TPB +69,8 tỷ, KBC +42,2 tỷ, BID +24 tỷ. Phía bán ròng có DGC -48,6 tỷ, VIC -46,7 tỷ, MSN -41,1 tỷ, VPB -40,7 tỷ, SSI -40,2 tỷ, DIG -33,4 tỷ, DXG -31,8 tỷ, MWG -31,6 tỷ, SBT -30,4 tỷ…