November 25, 2008 | 14:30 GMT+7

Chống suy thoái, Mỹ chi bao nhiêu tiền?

Mai Phương

Để chống suy thoái, nước Mỹ đã và sẽ tiếp tục bơm vào nền kinh tế của nước này và thế giới một lượng USD khổng lồ

Với bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Bernanke (bên phải) và ông Paulson xem ra không còn cách nào khác ngoài việc làm hết sức để vực dậy tăng trưởng, cho dù rủi ro lạm phát đang chờ phía trước - Ảnh: Reuters.
Với bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Bernanke (bên phải) và ông Paulson xem ra không còn cách nào khác ngoài việc làm hết sức để vực dậy tăng trưởng, cho dù rủi ro lạm phát đang chờ phía trước - Ảnh: Reuters.
Để chống suy thoái, nước Mỹ đã và sẽ tiếp tục bơm vào nền kinh tế của nước này và thế giới một lượng USD khổng lồ.

Vay tiếp, nếu cần

Tính tới thời điểm này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống tài chính thế giới, và có thể sẽ chính thức áp dụng chính sách bơm thêm lượng USD khổng lồ nữa vào hệ thống này.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ - với khả năng sẽ vay nợ tới 1.500 tỷ USD trong năm tài khóa này - sẽ còn tiếp tục vay nợ thêm nữa để có thêm tiền cho việc giải cứu các ngân hàng nếu cần và cho kế hoạch kích thích kinh tế có thể lên tới 700 tỷ USD của chính quyền Tổng thống mới đắc cử Barack Obama. Kế hoạch này ngang ngửa với kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu ngành tài chính của thời Tổng thống Bush.

Ngày 24/11, ông Obama cho biết đang cân nhắc về phương án sẽ đầu tư khoảng 700 tỷ USD vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng như xây bệnh viện, cầu, đường... nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại cũng như nâng cao dịch vụ cho an sinh xã hội.

Thậm chí, nhiều người còn tin rằng, Chính phủ Mỹ sẽ xin Quốc hội bổ sung thêm tiền cho kế hoạch 700 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống tài chính. “Cho tới khi khủng hoảng chấm dứt, kế hoạch giải cứu tài sản xấu có thể ngốn tới 2.000 tỷ USD”, Giáo sư Kenneth Rogoff ở Đại học Harvard nhận xét.

Hiện ông Paulson đã chi 290 tỷ USD để đầu tư vào các ngân hàng lớn ở Mỹ và hãng bảo hiểm AIG. Thêm vào đó, để giải cứu Citigroup, Bộ Tài chính lại vừa bơm thêm cho ngân hàng này 20 tỷ USD, cộng với việc bảo lãnh lượng nợ xấu lên tới 306 tỷ USD của Citigroup.

Cần nói thêm, động thái giải cứu Citigroup của Chính phủ Mỹ tạo ra một mô hình mới trong việc giải cứu các ngân hàng, đó là dùng tiền thuế của dân để bảo lãnh nợ xấu cho ngân hàng.

“Khi Chính phủ đối mặt với nguy cơ giảm phát đe doạ nền kinh tế, họ sẽ làm tất cả những gì có thể để chống lại nguy cơ này”, ông Michael Feroli, một cựu quan chức của FED và hiện là một kinh tế gia của Ngân hàng JPMorgan Chase, nhận xét. Chuyên gia này cho rằng, FED sẽ hạ lãi suất cơ bản đồng USD về mức 0% vào tháng 1/2009 và sẽ duy trì mức lãi suất này cho tới hết năm 2009.

Hiện Chủ tịch FED Ben Bernanke và Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson dường như đã rơi vào "chân tường" vì những hành động can thiệp “vô tiền khoáng hậu” của họ vào thị trường cho tới lúc này vẫn chưa đem lại nhiều tác dụng. Thị trường tín dụng vẫn “đóng băng”, trong khi giá cổ phiếu vẫn trên đà sụt giảm và nền kinh tế toàn cầu đang chìm dần vào suy thoái.

Trong lúc tình hình kinh tế xấu đi, giảm phát - tình trạng sụt giảm kéo dài của giá cả và tiền lương - nổi lên như một mối đe dọa mới. Các số liệu thống kê mới đây cho thấy, giá tiêu dùng (trừ giá lương thực và nhiên liệu) ở Mỹ trong tháng 10 đã lần đầu sụt giảm từ năm 1982 tới nay.

Hoảng sợ vì sự chao đảo của thị trường, giới đầu tư đang đổ xô vào mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Cùng lúc Chính phủ Mỹ cũng đẩy mạnh phát hành loại nợ được coi là “siêu an toàn” này.

Tuần trước, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 3 tháng đã giảm xuống mức 0,01%, thấp nhất từ tháng 1/1940 trở lại đây. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn từ 2 - 30 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Chính phủ nước này bắt đầu việc bán trái phiếu thường kỳ (lợi suất trái phiếu tính bằng tổng trái tức năm chia cho giá trái phiếu, do đó giá trái phiếu càng giảm thì lợi suất càng cao và ngược lại).

Cùng với đó, đồng USD cũng lên giá mạnh do các ngân hàng toàn thế giới ngập trong thua lỗ bắt đầu găm giữ tiền mặt, mặc dù đã được tiếp ít nhiều thanh khoản từ FED. Trong vòng hai tháng kể từ khi khủng hoảng leo thang sau vụ phá sản của Lehman Brothers, đồng USD đã tăng giá 17% so với Euro, cho thấy nhu cầu của thế giới đối với USD tăng mạnh.

Cùng với đó, giá vàng giảm 25% so với mức đỉnh trên 1.030 USD/oz hồi tháng 3.

FED, người cho vay cuối cùng

Để giúp chống lại “cơn khát” USD của thế giới, FED đã thiết lập các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Trong đó có một số thỏa thuận như với các ngân hàng trung ương của châu Âu, Anh và Nhật Bản, là không có giới hạn.Nghĩa là, các ngân hàng này có thể hoán đổi ngoại tệ với FED để lấy bao nhiêu USD cũng được.

FED cũng đã thiết lập thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 30 tỷ USD mỗi thỏa thuận với Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Singapore.

Trong một bài phát biểu mới đây, Chủ tịch FED Ben Bernanke gọi những nỗ lực này là “giải pháp hợp tác quốc tế” giữa các ngân hàng trung ương để hoàn thành chức năng của các ngân hàng này là người cho vay cuối cùng.

Cùng với các nỗ lực chống khủng hoảng tài chính,  bảng cân đối kế toán của FED cũng “phình to”. Trước khi xảy ra “cú sốc” mang tên Lehman Brothers, vào ngày 10/9, tài sản trong bảng cân đối kế toán của FED chỉ là 924 tỷ USD. Nhưng tới ngày 19/11, con số này đã là 2.200 tỷ USD.

Dự báo, bảng cân đối kế toán của FED sẽ còn tăng mạnh nữa trong thời gian tới. “Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu tài sản của FED lên tới 3.000 tỷ USD, tương đương 20% GDP của Mỹ, vào cuối năm nay”, Chủ tịch FED tại Dallas, ông Richard Fisher, nói.

Có lẽ, đó mới chỉ là điểm khởi đầu, nếu như FED tiếp tục hạ lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 1% hiện nay xuống mức 0% và áp dụng chính sách “nới lỏng số lượng” (quantative easing). Theo chính sách này, FED sẽ tập trung vào việc tăng lượng tiền dự trữ trong hệ thống ngân hàng, vì lúc này, FED sẽ không hạ lãi suất thêm được nữa.

Đầu thập niên này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã áp dụng chính sách như vậy để đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này thoát khỏi gọng kìm giảm phát. Theo nhà nghiên cứu Tom Gallagher, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách của công ty International Strategy and Investment Group có trụ sở ở Washington cho biết, bảng cân đối kế toán của BoJ rốt cục đã tăng lên tới mức tương đương 30% GDP của Nhật.

Chuyên gia này cho biết thêm, FED có thể vượt mức trần 30% GDP mà BoJ đã đạt được, đưa mức tài sản của FED lên tới hơn 4.000 tỷ USD.

Bộ Tài chính Mỹ, người đi vay cuối cùng

Bộ Tài Chính Mỹ đang dấn mình vào một cuộc chơi mà họ chưa từng tham gia và cũng không có điểm dừng. Họ phải viện tới nguồn vốn trên thị trường tài chính để hỗ trợ cho kế hoạch giải cứu hệ thống ngân hàng và bù đắp cho những lỗ hổng ngân sách liên bang do nền kinh tế suy yếu gây ra.

Phần lớn lượng tiền mà Bộ Tài chính vay nợ sẽ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. “Các nhà đầu tư nước ngoài dướng như không quan tâm tới bất kỳ loại tài sản rủi ro nào của Mỹ, thay vào đó, họ mua trái phiếu kho bạc Mỹ”, ông Brad Setser, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ hiện đang làm việc tại Hội đồng Quan hệ quốc tế ở New York, nhận xét. Trong số các nhà đầu tư nước ngoài này phải kể tới Trung Quốc, nước hiện đã vượt Nhật Bản để trở thành nước nắm giữ nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ nhất.

Vào ngày 3/11 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã tăng gấp 3 lần khối lượng nợ dự kiến bán ra thị trường trong 3 tháng cuối năm tài khóa này lên mức 550 tỷ USD. Ông Paulson cho biết, nước Mỹ sẽ phát hành khoảng 1.500 tỷ USD trái phiếu kho bạc trong năm tài khóa bắt đầu vào ngày 1/10.

Số lượng trái phiếu này thậm chí còn có thể tăng thêm. Ông Lawrence Summers, người được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng trong nội các của ông Obama cho rằng, nước Mỹ cần một gói kích thích kinh tế “nhanh, quy mô lớn và kéo dài” để hỗ trợ tăng trưởng.

Như đã nói ở trên, Chính phủ Mỹ có thể sẽ đi tới một gói kích thích kinh tế mới trị giá 700 tỷ USD, và tăng số tiền của kế hoạch giải cứu nợ xấu hiện nay từ mức 700 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD.

Nhiều người lo ngại FED và Bộ Tài chính Mỹ sẽ đi quá xa và tạo tiền đề cho sự hình thành của một thời kỳ bong bóng mới, một khi nền kinh tế phục hồi và các nhà đầu tư tĩnh tâm trở lại. Đó chính là những gì đã xảy ra ở đầu thập kỷ này, sau khi FED nới lỏng mạnh mẽ chính sách tiền tệ và Bộ Tài chính cắt giảm thuế, dẫn tới sự bùng nổ tín dụng và sau đó là kết cục bong bóng vỡ.

Nhưng, với bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Bernanke và ông Paulson xem ra không còn cách nào khác ngoài việc làm hết sức để vực dậy tăng trưởng, cho dù rủi ro lạm phát đang chờ phía trước.

(Theo Bloomberg)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate