June 26, 2009 | 09:34 GMT+7

Chống tham nhũng trong kinh doanh

Lê Công

Doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam bị đòi hối lộ, bị mất hợp đồng, mất cơ hội làm ăn vì không chịu đưa hối lộ là khá phổ biến

Tổ chức minh bạch thế giới khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện hối lộ - Ảnh: Việt Tuấn.
Tổ chức minh bạch thế giới khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện hối lộ - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong khuôn khổ kế hoạch công tác năm 2009 của Ban đặc trách về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC (ACT), từ ngày 24 - 26/6, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức hội thảo giới thiệu quy tắc ứng xử trong kinh doanh của APEC cho cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã giới thiệu các nguyên tắc kinh doanh chống hối lộ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. TI chỉ ra các hành vi hối lộ trong hoạt động kinh doanh phổ biến hiện nay bao gồm: quà tặng, giải trí, xung đột lợi ích, đóng góp từ thiện, tài trợ, trả tiền bôi trơn...

TI đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nên xây dựng quy tắc ứng xử trong kinh doanh của mình theo quan điểm: không nhận hối lộ và không đồng ý việc nhận hối lộ; không thực hiện hối lộ cũng như không bỏ qua việc đưa hối lộ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hoạt động kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng, không tìm kiếm hợp đồng từ những hành vi hối lộ.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam bị đòi hối lộ, bị mất hợp đồng, mất cơ hội làm ăn vì không chịu đưa hối lộ là khá phổ biến. Trước tình hình đó, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng. Một trong những nỗ lực đó là tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống tham nhũng.

Ông Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra Chính phủ, khẳng định Việt Nam đã thông qua một số văn bản hợp tác về chống tham nhũng như quy tắc ứng xử cho doanh nghiệp; các nguyên tắc ứng xử cho viên chức; các nguyên tắc chống tham nhũng đối với khu vực nhà nước và tư nhân, đồng thời cam kết tăng cường đấu tranh chống tham nhũng thông qua nâng cao hợp tác pháp lý quốc tế.

Quy tắc ứng xử trong kinh doanh của APEC sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh và góp phần phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Ông Bình cho rằng việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều cơ hội, công bằng hơn trong hoạt động kinh doanh đồng thời sẽ giúp minh bạch hơn trong Chính phủ cũng như các giao dịch trong lĩnh vực tư nhân nhằm hạn chế cơ hội cho các quan chức nhận hối lộ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate