Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã SHS-HNX) vừa công bố báo cáo giao dịch cổ phiếu SHS của Quỹ đầu tư PYN ELITE FUNDS.
Theo đó, Pyn Elite Fund vừa thông báo đã bán ra 3 triệu cổ phiếu SHS trong ngày 4/12 qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,27% xuống còn 4,9% và không còn là cổ đông lớn.
Đáng chú ý, quỹ ngoại này chỉ vừa mới trở thành cổ đông lớn của SHS trước đó 3 ngày sau khi tăng sở hữu lên 42.842.900 cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn của SHS, nắm giữ 5,27% tổng số cổ phiếu SHS trong ngày 1/12.
Trước đó, một loạt lãnh đạo cũng đăng ký bán cổ phiếu SHS. Cụ thể: ông Trần Sỹ Tiến - Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng đã bán hết 1.112.500 cổ phiếu, chiếm 0,14 vốn tại SHS vào ngày 10/11, ngày 30/11, bà Lương Thị Lựu - Thành viên BKS đã bán hết 62.578 cổ phiếu, chiếm 0,01% vốn tại SHS.
Trên thị trường, chốt phiên ngày 11/12, cổ phiếu này tăng 1,08% lên 18.700 đồng/cổ phiếu, giảm 0,53% trong 5 ngày qua nhưng tăng hơn 128% từ đầu năm đến nay.
Kết thúc quý 3/2023, SHS ghi nhận lãi tăng 125% lên hơn 198,8 tỷ đồng là do thị trường chứng khoán Việt Nam thuận lợi. Luỹ kế 9 tháng, SHS lãi gần 381 tỷ đồng - cùng kỳ đạt 20 tỷ đồng.
Mới đây, Pyn Elite Fund mới đây đã công bố báo cáo hoạt động trong tháng 10/2023 với hiệu suất đầu tư âm 10,53%, đây là tháng thứ ba ghi nhận hiệu suất âm liên tiếp và cũng là tháng đầu tư "buồn" nhất kể của quỹ từ tháng 2/2023. Lũy kế từ đầu năm, hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund âm 6,85%.
Theo Pyn Elite Fund, thị trường trở nên ảm đạm bởi ảnh hưởng của tỷ giá, việc VND mất giá 3,7% so với USD chỉ trong 3 tháng làm dấy lên lo ngại NHNN sẽ có những hành động để bảo vệ VND trước động thái lãi suất không chắc chắn của FED.
Thêm vào đó, đà bán mạnh còn được kích hoạt bởi hành động phòng ngừa rủi ro (hedging) của nhà đầu tư khi tham gia đợt phát hành 250 triệu USD trái phiếu của Tập đoàn Vingroup. Ngoài ra, thị trường cũng phản ứng kém tích cực với kết quả kinh doanh quý 3 của một số công ty niêm yết không như kỳ vọng.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp cốt lõi mà Pyn Elite Fund nắm giữ lại gây bất ngờ khi phục hồi tốt, tổng thu thập tăng 24% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm, vượt trội hơn so với mức giảm 10% tổng thu nhập các công ty trên sàn. Top những cổ phiếu khiến quỹ âm nặng gồm VCI giảm 21%; bộ đôi họ nhà Vingroup là VRE và VHM lần lượt giảm 14,9% và 14,3% trong khi đó HDB dù ghi nhận hiệu suất "tốt" nhất song vẫn giảm 0,9%.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục gồm 5 cổ phiếu ngân hàng (STB, CTG, TPB, MBB, HDB), chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính và một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như ACV, VRE, VHM...