January 16, 2025 | 16:25 GMT+7

Chu kỳ bất động sản mới sẽ có tính thanh lọc lớn

Thanh Xuân -

Năm 2024 được đánh giá là năm tạo nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản. Theo đó, chu kỳ mới được kỳ vọng sẽ mang tới sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn về sản phẩm nhà ở cũng như sự thanh lọc lớn đối với chủ đầu tư…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội, cho rằng trước những diễn biến tích cực của năm 2024, thị trường cả nước năm 2025 kỳ vọng sẽ bước vào một chu kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, sau mỗi chu kỳ, thị trường lại hứa hẹn được nâng cấp và trở nên chuyên nghiệp, đồng bộ hơn so với chu kỳ cũ. Chu kỳ lần này là hướng tới sự phát triển bền vững nhờ những trợ lực mạnh mẽ từ việc hoàn thiện khung pháp lý và các yếu tố tăng trưởng về kinh tế vĩ mô.

NHÌN RÕ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRƯỜNG

Cụ thể, các luật liên quan đến bất động sản quan trọng đều đã được thông qua và có hiệu lực sớm hơn dự kiến trong năm 2024 như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, đã tạo điều kiện cho người dân lẫn nhà đầu tư nhìn rõ hơn về định hướng phát triển của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, sẽ có nhiều nhà đầu từ nước ngoài tham gia sâu vào thị trường, thông qua hàng loạt hoạt động hợp tác đầu tư và bắt tay với chủ đầu tư lớn trong nước để phát triển dự án, thay vì ở vị thế tìm hiểu như trước kia. Việc này được kỳ vọng có thể thúc đẩy hoạt động huy động vốn nước ngoài, qua đó, giúp nhà đầu tư quốc tế tham gia rộng hơn và đa dạng hóa phân khúc đầu tư. Hơn nữa, tiềm lực tài chính từ chính thương vụ hợp tác cũng tạo điều kiện để nâng cấp cho thị trường hiện hữu.

Về sản phẩm, bà Hằng đánh giá trong chu kỳ mới, mỗi thị trường dự báo là có những dòng sản phẩm khác biệt. Các chủ đầu tư cần đặt ra mục tiêu phải lấy việc làm hài lòng khách hàng làm tiêu chí phát triển sản phẩm, kể cả căn hộ hạng C, hay nhà ở xã hội.

“Đơn cử, tại thị trường Hà Nội, Luật Thủ đô 2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Vì vậy, các dòng sản phẩm bất động sản thời gian tới trên thị trường Hà Nội cần phải tính đến những quy định, nội dung trong các văn bản này, nhằm góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu của chương trình phát triển nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người”, Giám đốc cấp cao, Bộ phận tư vấn và nghiên cứu, Savills Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo bà Hằng, nguồn cung căn hộ Hạng B sẽ chiếm tỷ trọng chính trên thị trường Hà Nội vào năm 2025, phân khúc Hạng C và nhà ở xã hội đều cải thiện hơn về nguồn cung. Nguồn cung nhà ở thời gian tới đến từ chủ đầu tư lớn tại các đại đô thị vùng ven bên ngoài vành đai, các dự án đảm bảo pháp lý, chất lượng, được trang bị đầy đủ tiện ích cũng như tiêu chuẩn bền vững. Thậm chí, xu hướng nguồn cung mới với chi phí vừa túi tiền hơn có thể tập trung tại một số khu vực lân cận Hà Nội khi bảng giá ở khu vực nội thành và khu vực lân cận vành đai ở ngưỡng cao.

THÁCH THỨC CỦA THỊ TRƯỜNG

Chia sẻ tại sự kiện “Hành trình bứt phá - Giải pháp phát triển bất động sản trong kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Khánh Duy, Trưởng Bộ phận Kinh doanh nhà ở và văn phòng Savills Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội phát triển mới nhờ các yếu tố tạo động lực, nhưng cũng có không ít thách thức.

Trong đó, sự phát triển tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trong khi nhiều khu vực khác vẫn hạn chế về cơ sở hạ tầng và tiềm năng phát triển sẽ tạo nên sự tăng trưởng không đồng đều. Ngoài ra, thách thức tiếp tục đến từ sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu. Những biến động kinh tế và chính trị quốc tế có thể tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam. Hơn nữa, lượng cung - cầu không đồng bộ, lệch pha, khan hiếm quỹ đất và sản phẩm cũng góp phần tạo ra nhiều khó khăn.

Mặt khác, quy định pháp lý về vấn đề sở hữu nhà đất, đặc biệt đối với người nước ngoài vẫn phức tạp; rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa đang làm hạn chế hiệu quả của quá trình giao tiếp và xây dựng lòng tin giữa môi giới lẫn khách hàng quốc tế.

Để giải quyết những nút thắt, Chính phủ cần đơn giản hóa và minh bạch hóa quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu bất động sản. Đồng thời, nâng cao năng lực môi giới, đào tạo môi giới kỹ năng giao tiếp quốc tế, am hiểu văn hóa và ngôn ngữ để xây dựng lòng tin với khách hàng nước ngoài. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nền tảng trực tuyến đa ngôn ngữ, giúp khách hàng quốc tế dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm bất động sản tại Việt Nam. Cuối cùng, cần tăng cường quảng bá quốc tế, tham gia hội chợ bất động sản quốc tế, xây dựng chiến dịch marketing phù hợp để thu hút khách hàng.

Đối với xu hướng khách hàng và sự chuyển dịch của thị trường trong giai đoạn tới, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh batdongsan.com.vn, nhận định có 4 xu hướng quan trọng.

Thứ nhất, xu hướng cao cấp hóa các sản phẩm, ưa thích phân khúc cao tầng, dịch chuyển từ khu vực trung tâm về vùng ven. Điều này phản ánh những thay đổi trong tiêu chí lựa chọn bất động sản của người mua.

Thứ hai, người trẻ bắt đầu tham gia bất động sản nhiều hơn, số lượng tăng trưởng lên tới 30%, họ quan tâm hơn tới chất lượng sản phẩm. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới của các dự án bất động sản, buộc chủ đầu tư  phải đáp ứng kì vọng ngày càng cao của nhóm khách hàng trẻ tuổi.

Thứ ba, men theo hạ tầng vùng ven, dịch chuyển tìm kiếm đô thị tích hợp thay vì tìm kiếm đất nền như trước.

Thứ tư, tìm không gian sống xanh trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate