Mặc dù thị trường chữ ký số ở Việt Nam là có thực, nhưng theo ý kiến của một số chuyên gia, việc ứng dụng thực tế công nghệ này vào cuộc sống vẫn còn không ít bất cập, chưa kể việc để được các tổ chức quốc tế công nhận còn là một nhiệm vụ đầy khó khăn.
Hiện Việt Nam đã có 5 đơn vị là VNPT, Viettel, Bkis, Nacencomm và FPT được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp và các đối tượng có nhu cầu vẫn chưa thực sự có cách hiểu đúng về chữ ký số và các giải pháp chữ ký số, chứng thực chữ ký số.
Hôm qua (17/8), tại Hà Nội, Bộ Công Thương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử”. Hội thảo đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp, nắm rõ vai trò và tầm quan trọng của chữ ký số, đồng thời hướng tới mục tiêu, năm 2015 sẽ có một số tổ chức của Việt Nam được các đơn vị chứng thực chữ ký số có uy tín của nước ngoài thừa nhận.
Chữ ký số là công nghệ xác thực, đảm bảo an ninh, an toàn cho giao dịch trên môi trường Internet. Chữ ký số sẽ giải quyết vấn đề toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yên tâm với các giao dịch điện tử của mình.
Việc ứng dụng chữ ký số đem lại cho doanh nghiệp, tổ chức rất nhiều lợi ích như: tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử. Bên cạnh đó, còn góp phần đẩy nhanh các giao dịch qua mạng trong khi vẫn đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết: “Mặc dù còn khá mới mẻ đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, chữ ký số lại đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tương lai của thương mại điện tử và chính phủ điện tử trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay”.
Trang tin VOVNews dẫn lời một đại diện của Ngân hàng Bảo Việt cho biết, từ đầu năm 2010 cơ quan này đã bắt đầu ứng dụng chữ ký số trong nhiều giao dịch với cơ quan thuế. Quá trình triển khai cho thấy rõ ưu điểm tiết kiệm thời gian, vì không phải xếp hàng tại cơ quan thuế vào những ngày cuối tháng, lại có thể nộp các tờ khai bất kể lúc nào...
Tại công ty Cổ phần chứng khoán Việt Nam - Direct, việc ứng dụng chữ ký số trong việc nộp các tờ khai thuế GTGT hàng tháng, tờ khai quyết toán thuế thu nhập hàng quý, tờ khai thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán cũng như thuế thu nhập cho cán bộ công nhân viên... cũng đã được thực hiện từ cuối năm 2009 đến nay.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và hào hứng với việc ứng dụng chữ ký số. Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã làm quen với các giao dịch qua mạng, lại phải nộp nhiều mẫu biểu cho cơ quan thuế hàng tháng, nên việc ứng dụng chữ ký số là hoạt động mà những người làm công tác kế toán của Công ty TNHH B.Braun Việt Nam đã chờ đợi từ lâu.
Trong giao dịch điện tử, các đối tác không phải gặp trực tiếp nhau mà vẫn có thể mua bán, trao đổi, ký hợp đồng... Giao dịch được thực hiện nhanh tin cậy sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh; tiết kiệm thời gian và tiền bạc không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội.
VOVNews cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giữ vững và mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh, và thực hiện các thỏa thuận thương mại quốc tế. Tất cả quá trình này đòi hỏi một lượng thông tin trao đổi rất lớn qua mạng, đồng thời yêu cầu độ an toàn và tính xác thực cao. Chỉ có chữ ký số mới đảm bảo được sự an toàn này.
Tuy nhiên, theo báo Nhân dân, hiện tại, ứng dụng chữ ký số vẫn gặp nhiều bất cập. Báo này dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), cho biết, việc ứng dụng chữ ký số phải xuất phát từ nhu cầu, các doanh nghiệp phải có nhu cầu mua bán trực tuyến với nhau ở quy mô tương đối lớn cần sự an toàn thông tin cao mới sử dụng đến chữ ký số.
Và nữa, đối với ứng dụng chữ ký số trong bộ ngành, theo ông Hưng, mặc dù Bộ Công thương đã tích hợp chữ ký số vào email, nhưng với những giao dịch không quan trọng thì không cần thiết phải bảo mật bởi chữ ký số. Còn những văn bản quan trọng cần bảo mật thì lại vướng luật.
“Luật quy định những văn bản mật thì không được sao chép và lưu trữ ở dạng điện tử. Thậm chí Bộ Công an còn quy định soạn thảo văn bản mật ở những máy tính không được kết nối internet. Hiện nay chúng tôi triển khai ứng dụng chữ ký số ở những văn bản không thuộc phạm vi mật, mà nếu không cần bảo mật thì dùng chữ ký số lại lỉnh kỉnh mà chả để làm gì”, ông Hưng cho hay.
Báo Nhân dân nhận định, mặc dù ứng dụng trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã phải đưa ra lộ trình để chứng thực chữ ký số vươn lên tầm quốc tế, có như thế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mới có thể sử dụng chữ ký số trong các giao dịch thương mại điện tử.
Hôm 12/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015. Quyết định nêu rõ: “Phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng để đến năm 2015 có một số tổ chức của Việt Nam được các tổ chức chứng thực chữ ký số của nước ngoài thừa nhận”.
Theo ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm chứng thực chữ ký số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu trong vòng hai năm tới chúng ta không thành công trong việc đưa các nhà cung cấp chứng thực chữ ký số của Việt Nam ra nước ngoài thì lúc đó chúng ta sẽ bất lợi.
Ông Khả cho biết, Trung tâm cũng đã chuẩn bị cho việc này khá lâu để xây dựng lên các tiêu chí thống nhất với quốc tế và báo cáo lại Bộ, Bộ sẽ quyết định dựa trên quy chuẩn pháp lý của Việt Nam để được quốc tế chấp nhận. Về phía các nhà cung cấp chứng thực chữ ký số, ông Khả cho rằng, sẽ phải hợp lực thành một “bó đũa” để đàm phán với quốc tế.
Việc được các tổ chức quốc tế công nhận, theo ông Khả, có ba cấp độ: chấp nhận toàn diện, chọn lọc và chỉ chấp nhận trong một số giao dịch cụ thể. Việc được các tổ chức quốc tế chấp nhận chứng thực chữ ký số là vô cùng khó. Hiện Việt Nam cũng chưa công nhận chứng thực chữ ký số của bất cứ nước nào, vì Nghị định 26 quy định Việt Nam phải có công ước với nước đó. Theo ông Khả, chúng ta sẽ phải có giải pháp linh hoạt trong vấn đề này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate