Chia sẻ về cơ hội cho ngành xây dựng tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” diễn ra sáng nay 26/3, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết khi các công ty FDI đến Việt Nam, họ sẽ gặp Chính phủ đầu tiên, sau đó là các công ty xây dựng.
Lợi thế của Việt Nam thứ nhất Việt Nam giỏi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thứ hai là nhiều cam kết ổn định.
Tuy nhiên, ngoài văn hóa khác biệt, Coteccons nhìn thấy nhiều lo lắng của họ khi đặt chân đến một vùng đất mới. "15 năm qua tôi làm việc ở Việt Nam thì giấy phép là một trở ngại lớn, tuy nhiên những khó khăn này đã được tháo gỡ rất nhiều và còn nhiều dư địa để tháo gỡ hơn nữa", Chủ tịch Coteccons nói.
Thứ hai, các công ty FDI cũng lo lắng về nhấn về nhân sự có giỏi không, có lành nghề không? Sau lực lượng lao động thì lo lắng tiếp theo là các nhà cung cấp, nhiều công ty FDI trước đây mang theo đội ngũ cung cấp của họ sang Việt Nam nhưng việc này đã ít dần đi.
Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt phục vụ trong chuỗi cung ứng của họ như xây dựng, logistics…Như vậy ta có thể thấy dòng vốn FDI mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
"Những gì họ lo lắng, nhức đầu để giải quyết sẽ đều là cơ hội cho chúng ta tăng giá trị của mình. Coteccons đã nhìn thấy cơ hội trong 3 năm tái cấu trúc. Chúng tôi đã dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược kinh doanh sang đón đầu làn sóng FDI. Doanh thu từ FDI của chúng tôi đã tăng khoảng 50%. Nhìn vào bức tranh gần đây có những mảng xám nhưng không có vấn đề gì quá lớn. Chúng ta vẫn sẽ còn nhiều cơ hội lớn", ông Bolat Duisenov nói.
Trao đổi thêm về chiến lược của Coteccons trong thời gian tới, đặc biệt sau khi thâu tóm thành công hai doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng là Công ty TNHH Sinh Nam Metal Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E), Chủ tịch Bolat Duisenov cho biết doanh nghiệp hướng tới sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh có cộng hưởng. Điều này có nghĩa là Coteccons thay vì trước đây tập trung nguồn thu vào một ngành cốt lõi nhưng bây giờ chỉ trông vào đó thì không phát triển được, do vậy, những ngành nghề có nguồn thu liên quan đến mảng cốt lõi đều được tìm kiếm, mở rộng như M$A doanh nghiệp về nhôm kính... Thậm chí là liên doanh.
Ở mảng bất động sản, mới đây, Coteccons tiếp tục tham giá đấu thầu thực hiện đầu tư dự án tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu, Thừa Thiên Huế.
Theo thông tin mời thầu, tổng vốn đầu tư dự án là 4,797 tỷ đồng; trong đó chi phí thực hiện dự án hơn 4,626 tỷ đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư hơn 171 tỷ đồng. Số tiền bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư là gần 48 tỷ đồng. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến là gần 339 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 60 tháng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Sự tham gia sâu của CTD trong lĩnh vực bất động sản khiến nhóm khách hàng lo ngại sẽ phải cạnh tranh với đơn vị kinh nghiệm tổng thầu lâu năm. Tuy nhiên, Chủ tịch CTD cho biết, doanh nghiệp không bao giờ có chủ trương đối đầu với khách hàng của mình trong lĩnh vực bất động sản. Như dự án The Emerald 68, Coteccons cũng kết hợp, liên danh với khách hàng tạo ra sản phẩm bất động sản tốt, giá tầm trung cho người dùng.
"Có thể Coteccons không giỏi như những tay chơi bất động sản khác nhưng nhờ cộng hưởng với mảng xây dựng thì cũng sẽ tốt hơn", vị này nhấn mạnh.
Về nguồn vốn, Coteccons luôn đảm bảo bức tranh tài chính minh bạch, rõ ràng theo luật. Một khi được minh bạch các đơn vị tài chính sẽ đánh giá tốt hơn chứ không chấp nhận làm số liệu để tìm nguồn cung cấp vốn từ một vài ngân hàng.
Nói thêm về diễn biến giá cổ phiếu, thị giá CTD sau một thời gian rớt mạnh hiện đang tiến về vùng đỉnh của năm 2022, ông Bolat Duisenov cho hay: "Giá cổ phiếu hiện tại rõ ràng không phản ánh hết giá trị nội tại của doanh nghiệp. Rất nhanh thôi mọi người sẽ thấy thị trường bây giờ đang định giá quá thấp cổ phiếu CTD”, vị này nhấn mạnh.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của CTD (năm tài chính 2024 sẽ tính đầy đủ trên 12 tháng, từ ngày 01/07/2023 đến 30/06/2024), ghi nhận doanh thu thuần 5.660 tỷ đồng, kém hơn 9% so với cùng kỳ, gần như toàn bộ đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng gần 5.653 tỷ đồng. Tuy vậy, ông lớn xây dựng vẫn đạt lãi ròng hơn 69 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ.
Nói về kết quả trên, Coteccons cho biết phần lớn nhờ trong kỳ, Công ty cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp còn 122 tỷ đồng, giảm 33% (tương ứng giảm được hơn 60 tỷ đồng), trong đó hơn 40 tỷ đồng là khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Công ty đang trong quá trình tái cấu trúc cũng góp phần tối ưu hóa chi phí trong kỳ. Một phần CTD giảm được 11% chi phí lãi vay còn 22 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận tăng.
Trong năm tài chính 2024, CTD đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng và lãi sau thuế 274 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, Coteccons thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu thuần và 50% chỉ tiêu lãi sau thuế sau quý 2/2024.