Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên - VBF 2022 sáng nay 21/2, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF, nhấn mạnh năm 2020 và 2021 là hai năm mà chúng ta đã chứng kiến rất nhiều biến động trong lịch sử nước Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo vững vàng, sự cam kết bền chặt và sự đoàn kết mạnh mẽ của toàn thể nhân dân và các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, chúng ta đã khiến cả thế giới thán phục và kinh ngạc.
Tính đến ngày hôm nay, thị trường vốn của Việt Nam đã có sự phát triển và thành công vượt bậc. Tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán của Việt Nam khoảng 7,75 triệu tỷ đồng, chiếm 95,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra cho Việt Nam vào năm 2025. Tổng quy mô thị trường trái phiếu của Chính phủ Việt Nam là 1,5 triệu tỷ đồng, và lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam ở một vài kỳ hạn còn thấp hơn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Trong năm 2021, số lượng nhà đầu tư mới tăng hơn 50% và đồng nghĩa với việc số người tham gia thị trường cũng tăng gấp rưỡi. Ngày càng có nhiều người bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán và coi đây như một kênh để tích lũy tài sản. Cùng với đó, trong năm 2021, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường đã tăng gấp 3,6 lần, đạt 24,7 nghìn tỷ (đối với thị trường chứng khoán) và 11 nghìn tỷ (đối với thị trường nợ).
Tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán và thị trường nợ ước tính đạt 670 nghìn tỷ, tương đương với khoảng 45% tổng dư nợ tăng thêm trong năm 2021 (1,2 triệu tỷ). Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng công ty niêm yết có định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ đã tăng từ 5 lên 62 công ty.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới.
Để phát huy tối đa vai trò của thị trường vốn, theo ông Dominic Scriven, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các cơ quan ban ngành gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán. Mỗi cơ quan đều có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và phát triển thị trường vốn.
Bên cạnh đó, thị trường vốn cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và cả cơ sở hạ tầng mềm. Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, cần triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và trên hết là nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý.
Đặc biệt là bảo vệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. "Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư – điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường. Áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam, hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân", ông Dominic nhấn mạnh.
Cuối cùng, theo Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được.
Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại. Trước mắt, Việt Nam nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore.