Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 30/11 nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình cho vay mà ngân hàng trung ương này triển khai trong đại dịch Covid-19. Điều trần trước các thượng nghị sỹ, ông Powell nói những chương trình này giữ vai trò then chốt để nền kinh tế không rơi vào tình trạng tồi tệ hơn.
Theo tin từ CNBC, phát biểu trên được ông Jerome đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin mới đây nói rằng các chương trình hỗ trợ vượt Covid-19 mà Fed đang thực thi sẽ phải hết hạn vào ngày 31/12.
Các chương trình mà ông Powell và ông Mnuchin đề cập là những sáng kiến cấp vốn thuộc một đạo luật có tên CARES Act mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi đầu năm để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới chống chọi với đại dịch. Một số chương trình chủ đạo thuộc đạo luật này đã kéo dài từ tháng 3 và sẽ hết hạn khi hết năm 2020. Khi chương trình hết hạn, Fed sẽ phải hoàn lại số vốn còn dư của chương trình.
"Những chương trình này giữ vai trò hậu thuẫn những thị trường tín dụng chủ chốt và đã giúp khôi phục lại dòng chảy tín dụng từ các nhà cho vay tư nhân thông qua các kênh thông thường", ông Powell nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính thuộc Thượng viện liên bang. "Chúng tôi đã triển khai các chương trình cho vay này ở một phạm vi chưa từng có tiền lệ".
Trong một phát biểu khác cùng ngày, ông Mnuchin nói số vốn 455 tỷ USD còn dư của CARES Act nên được chuyển sang dùng cho các mục đích khác. Về phần mình, Fed đã tuyên bố muốn tiếp tục những chương trình cho vay này sang năm 2021.
"Dựa trên các số liệu kinh tế, tôi tiếp tục tin rằng một gói hỗ trợ tài khóa có mục tiêu cụ thể mới là giải pháp phù hợp nhất ở cấp độ liên bang. Tôi đề nghị Quôc hội sử dụng số 455 tỷ USD còn dư của CARES Act để thông qua một đạo luật bổ sung với sự ủng hộ của cả hai đảng", ông Mnuchin nói. "Chính quyền sẵn sàng ủng hộ Quốc hội trong nỗ lực này để giúp người lao động và các doanh nghiệp nhỏ của nước Mỹ tiếp tục chống chọi với ảnh hưởng của Covid-19".
Fed thực thi các chương trình nói trên dưới dạng mua vào trái phiếu doanh nghiệp, cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay đến các cơ quan liên bang và chính quyền tiểu bang.
Ông Powell nói các chương trình đó "đã giúp giải phóng khoảng 2 nghìn tỷ USD tiền vốn", nhưng số tiền thực sự được dùng đến trong chương trình mới đạt khoảng 100 tỷ USD. Fed cũng đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng hơn cả là sự tồn tại của chương trình giúp củng cố niềm tin cho thị trường.
Khi đề cập đến nền kinh tế Mỹ, ông Powell tỏ ra thận trọng về triển vọng tăng trưởng, cho rằng tình hình sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Đánh giá này của vị lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ tăng mạnh gần dây.
"Như chúng tôi đã nhấn mạnh từ khi đại dịch xảy ra, triển vọng của nền kinh tế là cực kỳ bấp bênh và sẽ phụ thuộc phần nhiều vào thành công của nỗ lực kiểm soát virus", ông Powell nói. "Sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19, cả ở trong và ngoài nước, là đáng lo ngại và có thể trở thành thách thức trong mấy tháng tới. Một sự phục hồi kinh tế toàn diện là điều khó có thể đạt được chừng nào mọi người còn chưa tin tưởng rằng việc tham gia trở lại vào các hoạt động là an toàn".
Ông Powell nói những thông tin gần đây về vaccine ngừa Covid-19 là "rất tích cực" cho trung hạn, nhưng "những thách thức và bấp bênh lớn vẫn còn đó, bao gồm thời gian, việc sản xuất và phân phối vaccine, cũng như hiệu quả của vaccine ở các đối tượng khác nhau".
"Vẫn còn rất khó để đánh giá về thời điểm và mức độ ảnh hưởng kinh tế của những diễn biến vaccine", ông nói.
Vị Chủ tịch Fed cũng nhắc lại rằng Fed luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách. Ngoài các chương trình cho vay và cung cấp thanh khoản cho thị trường, Fed đã hạ lãi suất cơ bản về gần 0 và mua vào ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.
Cho dù đạo luật CARES Act có chấm dứt, ông Powell vẫn có thể tiếp tục sử dụng nhiều chương trình khác nhằm duy trì thông suốt hoạt động của thị trường tài chính.