Công ty cổ phần chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã ORS-HOSE) vừa công bố bán giải chấp chứng khoán của người nội bộ và/hoặc người có liên quan của CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC-HNX).
Theo đó, ORS thông báo sẽ bán giải chấp 5,9 triệu cổ phiếu NRC thuộc sở hữu của ông Lê Thống Nhất – Chủ tịch HĐQT. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.
Trước đó, Maybank Investment Bank thông báo bán giải chấp tổng cộng 3,2 triệu cổ phiếu NRC của vợ chồng ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT. Thời điểm thực hiện bán giải chấp là từ ngày 16/11.
Hai công ty chứng khoán này cũng nhấn mạnh số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin và thực tế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo.
Trên thị trường, sau 5 phiên giảm sàn liên tiếp từ ngày 21/11 đến ngày 25/11, NRC chốt phiên giảm hơn 10% xuống còn 4.500 đồng/cổ phiếu và mất gần 85% trong 1 năm qua.
Theo giải trình gửi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Danh Khôi cho biết cổ phiếu NRC giảm sàn 5 phiên liên tiếp thời gian gần đây là do yếu tố thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế và bị những tác động bởi chính sách vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản.
Trước đó, Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh mới đây đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Tập đoàn Danh Khôi do NRC đã nợ tiền thuế quá 90 ngày từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế gần 94 tỷ đồng. Thời gian cưỡng chế bắt đầu từ 17 giờ ngày 14/11/2022. Quyết định có hiệu lực thi hành trong vòng, cho đến 13/11/2023.
Cũng liên quan đến NRC, vào ngày 18/10, SSC đã có quyết định xử phạt Tập đoàn này với tổng số tiền lên đến 335 triệu đồng - trong đó, phạt 150 triệu đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công bố thông tin sai lệch.
Cụ thể: Công ty đã công bố thông tin sai lệch về giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế năm 2021 thay đổi hơn 10% so với năm 2020 trên Báo cáo tài chính công ty mẹ đã kiểm toán, cụ thể: Ngày 31/3/2022, công ty công bố thông tin Báo cáo tài chính năm 2021 công ty mẹ đã được kiểm toán, đồng thời công bố thông tin văn bản giải trình số 44/2022/CV ngày 31/3/2022 về việc giải trình lợi nhuận sau thuế năm 2021 thay đổi hơn 10% so với năm 2020 trên BCTC công ty mẹ đã được kiểm toán.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong năm 2021 tăng so với cùng kỳ do trong năm ghi nhận doanh thu từ: Hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương I theo hợp đồng số 01/2020/NRC-DKRH/BD ngày 28/10/2020 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings và Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi; Hợp tác kinh doanh dự án Khu chung cư hỗn hợp tại phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, Bình Định theo hợp đồng số 02/2020/NRC-DKRH/NH4 ngày 28/10/2020 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings và Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi; Hợp tác kinh doanh dự án Đầu tư phát triển đô thị tại phân khu số 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, Bình Định theo hợp đồng số 03/2020/NRC-DKRH/NH9 ngày 28/10/2020 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings và Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi; Hợp tác đầu tư dự án Tháp ven sông thuộc Khu dân cư nhà ở, khách sạn, căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ 2 tháng 9 tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04/2020/NRC-SUN/DN ngày 28/10/2020 giữa Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier và Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, Công ty mới thực hiện ghi nhận doanh thu và xuất hóa đơn đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 03/2020/NRC-DKRH/NH9 ngày 28/10/2020, số tiền thu được là 63 tỷ đồng; còn 03 hợp đồng (hợp đồng số 01/2020/NRC-DKRH/BD ngày 28/10/2020; hợp đồng số 02/2020/NRC-DKRH/NH4 ngày 28/10/2020; hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04/2020/NRC-SUN/DN ngày 28/10/2020) chưa được ghi nhận doanh thu cho năm 2021).
Bên cạnh đó, công ty buộc cải chính thông tin, quy định tại khoản 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Tiếp theo phạt 60 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty đã công bố thông tin không đúng thời hạn cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về các báo cáo định kỳ liên quan đến 02 đợt trái phiếu (tổng trị giá 360 tỷ đồng) gồm: Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán; Báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng vốn trái phiếu năm 2021).
Cuối cùng là, NRC bị phạt 125 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo với UBCKNN (Công ty thực hiện phân phối cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2021 cho 14 trường hợp đặc biệt là cộng tác viên của Công ty.
Tuy nhiên, tại báo cáo phát hành số 146/2021/BC gửi UBCKNN, danh sách kèm theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐQT ngày 16/12/2021 và báo cáo số 27/2022/BCKQ ngày 25/02/2022, Công ty không báo cáo UBCKNN về các trường hợp đặc biệt được phân phối cổ phiếu nêu trên. Công ty không có Nghị quyết Hội đồng quản trị phê duyệt nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng trường hợp đặc biệt này theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán. Căn cứ kết quả thanh tra, hồ sơ, tài liệu liên quan cho thấy, 14 cá nhân là cộng tác viên đã ký hợp đồng cộng tác viên với công ty ngày 01/7/2021, có thời gian làm việc dưới 06 tháng tính đến ngày 01/11/2021, không thuộc đối tượng được tham gia chương trình ESOP theo Quy chế phát hành ESOP năm 2021 của công ty.
SSC cho biết biện pháp khắc phục hậu quả đối với NRC là công ty buộc thu hồi cổ phiếu đã phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.