Ngay sau khi được bầu, ông Võ Văn Thưởng đã tiến hành tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
"Dưới cờ đỏ sao vàng, trước Quốc hội và đồng báo cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ Việt Nam xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Nhân dân với hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", ông Võ Văn Thưởng nói trong lễ tuyên thệ được truyền hình trực tiếp.
Ông Võ Văn Thưởng sinh năm 1970, quê quán Vĩnh Long. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Triết học trường Đại học Tổng hợp TP HCM và có trình độ lý luận chính trị Cao cấp. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị: Khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa X (dự khuyết), XI, XII, XIII; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Khóa XII; Đại biểu Quốc hội: Khóa XII, XIV.
Ông Thưởng từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (từ tháng 1/2007). Từ tháng 8/2011-4/2014, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Từ tháng 4/2014 - 10/2015, ông Thưởng được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. Từ tháng 10/2015 - 2/2016, ông tái cử giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và được Bộ Chính trị phân công điều hành công tác Thành ủy TP.HCM.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 2/2016, ông Thưởng được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Một ngày sau đó, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ông Thưởng được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII.
Ngày 5/2/2021, tại Quyết định số 01-QĐNS/TW, Bộ Chính trị đã phân công ông Thưởng giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có quyền công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ tịch nước cũng quyết định đặc xá; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam.
Trước đó, ngày 18/1, Ban chấp hành Trung ương họp hội nghị bất thường lần ba và thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026 theo nguyện vọng cá nhân. Sau đó, bà Võ Thị Ánh Xuân được phân công giữ quyền Chủ tịch nước.